Tháo gỡ "nút thắt"

Chính phủ Áp-ga-ni-xtan chấp thuận trao trả số phiến quân còn lại theo thỏa thuận, lực lượng Ta-li-ban khẳng định khởi động đàm phán ngay khi tiến trình trao trả tù nhân hoàn tất. Mỹ xác nhận kế hoạch giảm mạnh quân số tại Áp-ga-ni-xtan. Ðó là những chuyển biến tích cực, được kỳ vọng tạo bước đột phá tiến tới hòa bình thật sự cho quốc gia Nam Á.

Sau ba ngày thảo luận căng thẳng cuối tuần qua, Ðại hội đồng các bộ tộc Áp-ga-ni-xtan đã nhất trí trả tự do cho 400 tay súng Ta-li-ban cuối cùng theo thỏa thuận. Nghị quyết phóng thích phiến quân nêu rõ, việc các thủ lĩnh bộ tộc, trưởng lão và chính trị gia có uy tín cao chấp thuận thả những "tù nhân nguy hiểm" là nhằm loại bỏ rào cản, mở đường cho tiến trình đàm phán hòa bình, chấm dứt đổ máu và vì lợi ích của người dân.

Việc trao đổi tù nhân giữa Chính phủ Áp-ga-ni-xtan và phiến quân là một phần quan trọng trong thỏa thuận mà Mỹ và Ta-li-ban đạt được hồi tháng 2, song vẫn là "chướng ngại vật" đối với nỗ lực khởi động đối thoại quốc gia của Áp-ga-ni-xtan. Ðến nay, Ta-li-ban tuyên bố gần như hoàn thành cam kết trao trả 1.000 binh sĩ và nhân viên an ninh. Trong khi đó, Ca-bun đã trao trả gần 4.900 phiến quân, song từ chối phóng thích số tù nhân còn lại, với lý do những người này phạm tội nghiêm trọng, trong đó có vụ đánh bom gần Ðại sứ quán Ðức năm 2017, hay vụ tiến công khách sạn Intercontinental ở Ca-bun năm 2018.

Ta-li-ban luôn cáo buộc chính phủ không thực hiện cam kết và đặt điều kiện chỉ tham gia đàm phán hòa bình sau khi 400 phiến quân cuối cùng được phóng thích, khép lại tiến trình trao đổi tù nhân giữa hai bên. Ta-li-ban còn dọa gia tăng đánh bom và tiến công, một khi chính phủ không có những bước đi sớm hoàn tất thực hiện cam kết. Trong khi đó, bạo lực tại Áp-ga-ni-xtan không hề giảm kể cả khi Mỹ và Ta-li-ban đạt thỏa thuận lịch sử, trái lại các vụ tiến công nhằm lực lượng chính phủ còn gia tăng, gây thương vong lớn.

Thực tế nêu trên đặt chính quyền Ca-bun ở giữa những ngã rẽ, nhưng theo Tổng thống A.Ga-ni, chính phủ "không có lựa chọn nào khác" ngoài việc đáp ứng yêu cầu của Ta-li-ban, chấp thuận thả 400 tù nhân cuối cùng để cuộc đàm phán hòa bình có thể được khởi động. Ông Ga-ni nhấn mạnh, quyết định thả các tù nhân phạm trọng tội nằm ngoài thẩm quyền của Tổng thống, do đó cần lấy ý kiến của người dân thông qua Ðại hội đồng các bộ tộc. Chính phủ đã thực hiện các bước đi thiết thực và nỗ lực để khởi động đối thoại quốc gia.

Chấp thuận yêu cầu khó từ Ta-li-ban là quyết định mạnh bạo của các đại diện bộ tộc và giới tinh hoa chính trị Áp-ga-ni-xtan, giúp tháo dỡ rào cản cuối cùng, hướng tới cuộc đàm phán hòa bình lịch sử. Ngay lập tức, Ta-li-ban tuyên bố sẽ tiến hành cuộc đối thoại quốc gia với chính phủ chỉ một tuần sau khi hoạt động phóng thích tù nhân hoàn tất, dự kiến trong tuần này. Ta-li-ban còn thông báo cử trưởng đoàn đàm phán với Mỹ tiếp tục dẫn đầu phái đoàn Ta-li-ban tham gia vòng đối thoại đầu tiên với chính phủ tại Ðô-ha (Ca-ta) sắp tới.

Hưởng ứng những chuyển biến tích cực tại Áp-ga-ni-xtan, Mỹ thông báo kế hoạch mới về giảm quân số tại chiến trường Nam Á. Bộ Quốc phòng Mỹ nêu rõ, trong bốn tháng tới, sẽ tiếp tục rút bớt binh sĩ khỏi Áp-ga-ni-xtan dựa trên tình hình tại thực địa, song trước mắt cắt giảm quân số xuống dưới mức 5.000 người vào cuối tháng 11. Hồi giữa tháng 7, Mỹ xác nhận đã hoàn tất giai đoạn đầu của thỏa thuận với Ta-li-ban, theo đó trong vòng 135 ngày giảm quân số tại Áp-ga-ni-xtan từ 12.000 còn 8.600 binh sĩ. Kế hoạch giảm quân mới của Lầu năm góc có thể góp thêm động lực thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan.

Nút thắt đã được tháo gỡ, sau những động thái tích cực, từ việc chính quyền Ca-bun giảm nhẹ quan điểm cứng rắn, các lãnh đạo cộng đồng ân xá phiến quân, cho đến việc Ta-li-ban nhất trí khởi động đàm phán và Mỹ tiếp tục rút quân. Ðiều quan trọng là, các bên không bỏ lỡ cơ hội lần này, biến thiện chí và cam kết thành hành động thực tế, nhằm chấm dứt cuộc xung đột đã kéo dài hơn 19 năm qua.