Thách thức nghiêm trọng

Cộng đồng quốc tế, trong đó có đại diện Liên hợp quốc (LHQ), Liên hiệp châu Âu (EU), kêu gọi I-xra-en từ bỏ các kế hoạch sáp nhập nhiều phần lãnh thổ ở khu Bờ Tây, vùng đất bị chiếm đóng của Pa-le-xtin, nhằm tránh cho tiến trình hòa bình Trung Đông khỏi nguy cơ sụp đổ. Các nỗ lực ngoại giao được hối thúc sau khi Pa-le-xtin tuyên bố từ bỏ thỏa thuận Ô-xlô ký với I-xra-en, một văn bản quan trọng đối với tiến trình hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài giữa I-xra-en và Pa-le-xtin.

Việc Chính phủ mới tại I-xra-en đang chuẩn bị kế hoạch sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây và thung lũng Gioóc-đan đặt tiến trình hòa bình Trung Đông trước thách thức nghiêm trọng. Chính quyền Pa-le-xtin (PA) đang tìm cách gây sức ép và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để I-xra-en dừng kế hoạch này. Tổng thống Pa-le-xtin M.Áp-bát thông báo, PA sẽ không tiếp tục tuân thủ thỏa thuận Ô-xlô với I-xra-en, bao gồm cả hoạt động phối hợp an ninh.

Thỏa thuận Ô-xlô được ký năm 1993 giữa I-xra-en và Pa-le-xtin đã đánh dấu sự khởi đầu tiến trình hòa bình Trung Đông, với việc thành lập PA và lên kế hoạch cho giải pháp cuối cùng nhằm chấm dứt xung đột giữa hai bên. Bởi thế, việc Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) và PA phản đối các động thái đơn phương của I-xra-en và tuyên bố không tuân thủ mọi cam kết dựa trên thỏa thuận này khiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên lâm vào bế tắc. Phía Pa-le-xtin khẳng định rằng, Cơ quan Quản lý lãnh thổ chiếm đóng của I-xra-en phải chịu mọi trách nhiệm và nghĩa vụ trước cộng đồng quốc tế về việc chiếm đóng lãnh thổ Pa-le-xtin, với mọi ảnh hưởng và hậu quả dựa trên luật pháp và luật nhân đạo quốc tế.

Lo ngại kế hoạch của I-xra-en sáp nhập các vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin sẽ “khai tử” tiến trình hòa bình Trung Đông và phá vỡ giải pháp hai nhà nước, nhiều quốc gia lên tiếng phản đối động thái tăng cường hoạt động chiếm đóng của I-xra-en trên các vùng lãnh thổ Pa-le-xtin. Tại phiên họp trực tuyến vừa qua, đa số các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng trên thực địa, cũng như việc I-xra-en tiếp tục mở rộng các khu định cư trái phép. Các nước cho rằng, I-xra-en sáp nhập lãnh thổ chiếm đóng không chỉ phá hỏng nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình, đẩy lùi triển vọng đạt được giải pháp hai nhà nước, mà còn gây bất ổn an ninh khu vực. Bộ Ngoại giao Pháp cảnh báo, kế hoạch sáp nhập của I-xra-en có nguy cơ gây tổn hại quan hệ của Ten A-víp với EU. Pháp, Đức cũng như nhiều quốc gia trong EU luôn khẳng định cam kết ủng hộ một giải pháp lâu dài, bình đẳng cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin; đồng thời nêu rõ việc sáp nhập bất kỳ phần nào của vùng lãnh thổ Pa-le-xtin, bao gồm Đông Giê-ru-xa-lem, là vi phạm luật pháp quốc tế và làm suy giảm nghiêm trọng cơ hội cho giải pháp hai nhà nước. Nhằm gây sức ép đối với I-xra-en, các bộ trưởng ngoại giao châu Âu cảnh báo rằng, các dự án chung với I-xra-en có khả năng bị ảnh hưởng do các bước đi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế của Ten A-víp.

Trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết và các quyền cơ bản, người Pa-le-xtin đã kiên quyết bảo vệ lập trường về thành lập Nhà nước Pa-le-xtin độc lập với thủ đô Đông Giê-ru-xa-lem. Trước các động thái đơn phương hành động của I-xra-en đe dọa phá hủy hoàn toàn các cơ hội đàm phán với Pa-le-xtin, cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên tránh kích động và thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng. Trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn trên thực địa hiện nay, khi điều kiện kinh tế - xã hội hết sức khó khăn, hệ thống y tế yếu kém trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, chỉ có sớm nối lại đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin nhằm đạt giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững mới đem lại một nền hòa bình lâu dài. Điều mà cộng đồng quốc tế mong đợi là I-xra-en cần chấm dứt hành động đơn phương để tạo cơ hội mở cánh cửa đàm phán với Pa-le-xtin.