Thách thức lâu dài

Làn sóng dịch Covid-19 thứ ba đang tạo ra thách thức lâu dài với các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) trong bối cảnh gần đây số ca nhiễm bệnh tại một số nước như Pháp, Séc vẫn gia tăng. Trong khi đó, việc cấp phép và tiêm chủng vắc-xin chậm trễ, đồng thời các quan chức của EU cảnh báo, vi-rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu dài.

Đại dịch Covid-19 đã bước đầu “hạ nhiệt” ở nhiều quốc gia trên thế giới sau khi chiến dịch tiêm vắc-xin được triển khai trên diện rộng. Tuy nhiên, tại một số nước thành viên EU, tình hình dịch bệnh vẫn nghiêm trọng và EU đang vất vả để vượt qua làn sóng dịch thứ ba. Trái với xu hướng nới lỏng giãn cách xã hội, Hung-ga-ri, Pháp và Séc là những nước châu Âu đang có xu hướng siết chặt các biện pháp phòng dịch do số ca nhiễm Covid-19 gần đây vẫn tăng. Thống kê cho thấy, trong khi hầu hết các quốc gia Tây Âu ghi nhận mức giảm hoặc ổn định, từ 100 đến 200 ca nhiễm Covid-19/triệu dân/ngày. Tuy nhiên, con số này lên đến khoảng 300 ca tại Pháp và hơn 600 ca tại Séc.

Bộ trưởng Y tế Pháp Ô.Vê-ran khẳng định, trong bốn đến sáu tuần tới, Pháp sẽ duy trì lệnh giới nghiêm ban đêm cùng các biện pháp phong tỏa như đóng cửa quán rượu, nhà hàng và viện bảo tàng, để bảo vệ những nỗ lực phòng, chống dịch. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Thủ tướng Hung-ga-ri G.Gu-li-át cho biết, Hung-ga-ri quyết định kéo dài lệnh phong tỏa một phần đến ngày 15-3, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 mới có nguy cơ gia tăng trong hai tuần tới. Ông nhấn mạnh, hai tuần tới sẽ là thời điểm “vô cùng khó khăn” khi Hung-ga-ri phải đối phó làn sóng dịch bệnh thứ ba. Séc và Hung-ga-ri đã có những biện pháp để tăng cường nguồn vắc-xin cho chiến dịch tiêm chủng Covid-19, trước nhiều ý kiến cho rằng quá trình cấp phép của EU diễn ra quá chậm chạp. Các biện pháp kiểm soát tương đối nghiêm ngặt để phòng dịch cũng được duy trì tại Đức. Thủ tướng Đức A.Méc-ken mới đây nhấn mạnh rằng, Đức vẫn đang ở trong làn sóng dịch bệnh thứ ba  trong khi Chủ tịch Hội Nhân viên cấp cứu Đức cảnh báo, nếu không duy trì các biện pháp hiện tại, làn sóng thứ ba sẽ rất khó khăn “nếu không muốn nói là không thể kiểm soát”.

Một vấn đề lớn đang đặt ra với các quốc gia EU là trong khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tiến độ “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19 của khối này khá chậm chạp. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en mới đây cho biết, 26 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được bàn giao và vào cuối mùa hè năm nay, 70% người trưởng thành tại 27 nước thành viên EU đều sẽ được chủng ngừa. Tuy nhiên, bà U.Lây-en thừa nhận sự thất bại trong quy trình phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 của EU. Đồng thời cho biết, khối này đã rút ra bài học về sự chậm trễ trong việc cấp phép sử dụng vắc-xin cũng như tâm lý quá lạc quan của giới chức EU về công tác điều chế và tiến độ bàn giao vắc-xin. Nếu so sánh với Anh - nước đã ra khỏi “mái nhà chung châu Âu” - tiến độ tiêm vắc-xin của EU là đáng thất vọng. Trong khi EU còn loay hoay phê chuẩn và triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19, trong tháng 2 vừa qua đã có khoảng 30% dân số Anh được tiêm loại vắc-xin này. Theo đó, tạo ra tâm lý tích cực cho các lĩnh vực kinh tế quan trọng của Anh.

Để ngăn chặn đại dịch và sớm phục hồi kinh tế, Ủy viên châu Âu phụ trách Y tế mới đây đã thúc giục các quốc gia tăng tốc tiêm chủng, đồng thời đẩy mạnh việc sàng lọc và giải mã trình tự bộ gien của vi-rút SARS-CoV-2 nhằm giám sát chi tiết hơn các biến thể. “Đại gia đình EU” cũng dự kiến sẽ nghiên cứu đề xuất “hộ chiếu vắc-xin” (cho phép người đã có chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 được tự do đi lại), nhằm tạo điều kiện di chuyển nội khối và cứu vãn mùa du lịch hè sắp tới. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn đang gây tranh cãi và chưa biết khi nào có hồi kết. Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) A.Am-mon cảnh báo rằng, nguy cơ vi-rút SARS-CoV-2 gây Covid-19 có thể còn tồn tại lâu dài, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm đã chậm lại. Theo bà, thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản vi-rút này sẽ vẫn “đeo bám” con người và các chuyên gia có thể phải tiếp tục sản xuất vắc-xin phòng bệnh, tương tự như trường hợp bệnh cúm mùa.

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều những biến thể vi-rút mới nguy hiểm hơn, khả năng phải “sống chung với Covid-19” đang gia tăng và đây là thách thức lâu dài của EU cũng như toàn nhân loại. Thực tế này đang đòi hỏi EU cũng như các quốc gia trên thế giới cần phản ứng nhanh hơn trong chống dịch và thích ứng tốt hơn, linh hoạt hơn để sớm đưa nền kinh tế ra khỏi “thời kỳ đen tối” vì Covid-19.