Thách thức không dễ xử lý

Thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều hành động gây tranh cãi trong "ứng xử" đối với nhiều vấn đề quốc tế đã gây rạn nứt quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên khác của NATO. Dù luôn khẳng định lợi ích không thể tách rời với NATO và nỗ lực hàn gắn những tổn thương trong quan hệ với các đồng minh, song "sóng gió" đang thử thách Thổ Nhĩ Kỳ trước hàng loạt vấn đề cần giải quyết.

Những rạn nứt trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO, nhất là Mỹ, xuất phát từ vấn đề người Kurd ở Syria. Ankara phản đối việc Mỹ hậu thuẫn Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ở Syria cũng như coi YPG là đối tác hiệu quả trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Bởi, với Thổ Nhĩ Kỳ, YPG bị liệt vào danh sách khủng bố và bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, khi lực lượng này có quan hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bất chấp sự phản đối của các đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi đây. Các đồng minh châu Âu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế hành động nhằm vào người Kurd ở miền bắc Syria bởi lo ngại chiến dịch quân sự của Ankara có thể làm tiêu tan những thành quả trong cuộc chiến chống IS của liên quân do Mỹ đứng đầu. Tổng thống Pháp E.Macron mới đây còn nặng lời chỉ trích, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với IS khi tiến hành chiến dịch quân sự chống lực lượng người Kurd.

Bất chấp quan ngại từ đồng minh, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng nhiều "con bài" để "mặc cả" trong vấn đề người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận, theo đó Ankara giữ vai trò "chốt chặn" nhằm ngăn dòng người di cư từ Syria ồ ạt tràn vào châu Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa "tháo chốt" để người di cư tràn vào châu Âu nếu các nước EU không ủng hộ kế hoạch của Ankara về thiết lập "vùng an toàn" ở miền bắc Syria. Thực chất Thổ Nhĩ Kỳ muốn kiểm soát khu vực biên giới với Syria, đẩy lực lượng người Kurd khỏi khu vực biên giới nước này.

Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Erdogan còn tuyên bố sẽ phản đối kế hoạch của NATO bảo vệ các nước Ban-tích nếu NATO không ủng hộ quan điểm của Ankara coi lực lượng người Kurd là một nhóm khủng bố.

Trong lúc đổ lỗi cho Mỹ không thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ở miền bắc Syria đạt được giữa Washington và Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang hợp tác với Nga bằng một thỏa thuận Sochi. Ankara cho rằng, Mỹ đã không giữ đúng cam kết trong việc bảo đảm lực lượng người Kurd ở Syria rút hoàn toàn khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, với thỏa thuận Sochi, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra chung ở miền bắc Syria sau khi lực lượng người Kurd rút đi. Ðộng thái này cho thấy, dường như Thổ Nhĩ Kỳ đã "qua mặt" đồng minh trong xử lý vấn đề Syria. Ankara tiếp tục tham gia "bộ ba" Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thúc đẩy cơ chế đối thoại Astana, tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria.

Sự xích lại gần hơn với Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ và các đồng minh khác trong NATO chỉ trích mạnh mẽ khi mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm tổn thương các đồng minh NATO. Khối quân sự cho rằng, hệ thống S-400 không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và đe dọa khả năng phòng thủ của liên minh. Bất đồng giữa hai bên dẫn tới việc Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình hợp tác phát triển của NATO về máy bay tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất. Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng xoa dịu quan ngại của NATO khi tuyên bố sẽ không tích hợp các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga chế tạo vào hệ thống phòng không và an ninh của NATO, nhưng lại cho biết sẽ triển khai S-400 từ mùa xuân năm 2020. Ðiều đó không khỏi khiến các đồng minh e ngại. Mỹ đã đánh tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống tên lửa S-400 của Nga để giải quyết bế tắc trong quan hệ với Washington.

Ngoài những bất đồng sâu sắc nêu trên, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trục xuất hàng chục tay súng tình nghi là thành viên IS mà nước này đang giam giữ. Ðây là một phần trong kế hoạch tổng thể của nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ trục xuất, cho hồi hương hàng nghìn đối tượng người nước ngoài, chủ yếu đến từ châu Âu, từng tham chiến trong hàng ngũ IS. Ankara chỉ trích các quốc gia châu Âu do dự trong việc tiếp nhận các công dân từng gia nhập IS. Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg đang nỗ lực giải quyết những tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, với những lợi ích liên quan vị trí địa-chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm giữa hai bờ lục địa Á-Âu, Ankara khó có thể thay đổi chính sách trước đòi hỏi của đồng minh. Dù khẳng định coi trọng quan hệ với các đồng minh NATO, song Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải tiếp tục thận trọng trong từng "nước cờ" trên "bàn cờ Syria" cũng như ứng xử trước các vấn đề ở khu vực và quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia.