Thách thức kép

Đại dịch Covid-19 chất thêm gánh nặng lên lưng các nước nghèo, vốn đã phải oằn mình đối phó hàng loạt vấn đề tài chính, kinh tế. Cuộc khủng hoảng “kép” cả về kinh tế lẫn y tế khiến nhiều quốc gia chật vật, rơi vào suy thoái trầm trọng và bị nạn đói đe dọa. Trong nỗ lực không để ai bị bỏ lại phía sau, các nước giàu cùng các tổ chức tài chính, các nhà tài trợ cần thúc đẩy hơn nữa sự hỗ trợ, giúp các nước nghèo vượt qua thách thức.

Các quan chức Liên hợp quốc (LHQ) vừa cảnh báo, cuộc khủng hoảng đói nghèo gia tăng trên thế giới đang hiện hữu, khi có khoảng 250 triệu người ở 20 quốc gia có nguy cơ bị suy dinh dưỡng trầm trọng hoặc thậm chí chết đói trong những tháng tới. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ đã viện trợ khẩn cấp 100 triệu USD cho bảy nước có nguy cơ đói nhất, song theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cần tới hàng tỷ USD để rót thêm cho nhiều quốc gia đang cận kề nạn đói. Nhiều nước nghèo, chủ yếu ở châu Phi, đang đối mặt  cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng, tới mức ngay cả kế hoạch giãn nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đưa ra vẫn chưa đủ để giúp các nước này đương đầu khó khăn chồng chất, cũng như duy trì khả năng thu hút các khoản đầu tư cần thiết. Khoảng 40% các quốc gia tại khu vực Nam Xa-ha-ra đứng trước nguy cơ vỡ nợ từ trước năm 2020. Mới đây, Na-mi-bi-a là quốc gia đầu tiên của châu Phi tuyên bố vỡ nợ giữa lúc đại dịch hoành hành. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), do tác động của đại dịch, kinh tế khu vực này được dự báo sẽ suy giảm 3% trong năm 2020, trong khi tỷ lệ nợ tính trên GDP cũng tăng gấp hai lần, lên mức 57% trong 10 năm qua. Các chuyên gia nhận định, nhiều quốc gia có thể sa lầy vào cuộc khủng hoảng nợ.

LHQ đang thúc đẩy các biện pháp nhằm thu hút 500 tỷ USD để giúp các nền kinh tế yếu kém nhất thế giới tránh “những vết sẹo” mà tình trạng thiếu vốn kéo dài để lại. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) kêu gọi các nước giàu hỗ trợ nhiều hơn cho các nước nghèo trong đại dịch. Đối mặt cuộc khủng hoảng kép hiện nay, các nước nghèo cần được hỗ trợ về tài chính lẫn việc tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19. Việc phát triển vắc-xin phải bảo đảm không phải là “bí mật sở hữu riêng”. Trong cuộc chiến cam go này, việc có vắc-xin là chưa đủ, mà quan trọng hơn là làm thế nào để mọi người đều có thể tiếp cận vắc-xin, nhất là những nước nghèo. Khi triển vọng tìm ra vắc-xin ngừa Covid-19 ngày càng rõ ràng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi quan tâm tới nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới, để nhóm này không bị lãng quên khi các nước giàu nhanh tay đặt trước những lô vắc-xin đầu tiên. Trong nỗ lực hành động nhằm bảo đảm vắc-xin được phân phối công bằng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, sẽ phân phối khoảng hai tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước đang phát triển trong năm 2021. Cơ quan này đang làm việc cùng hơn 350 hãng hàng không và các công ty vận chuyển hàng hóa để cung cấp vắc-xin và một tỷ dụng cụ tiêm đến các nước nghèo như Bu-run-đi, Áp-ga-ni-xtan và Y-ê-men, như một phần của sáng kiến COVAX về phân phối vắc-xin phòng Covid-19 cho các nước trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh thế giới chật vật đối phó “bão Covid”, các chuyên gia kêu gọi các nước giàu cũng cần giảm nợ nhiều hơn, không chỉ cho các nước nghèo nhất, mà còn cho những nước có thu nhập trung bình, nhằm tránh nguy cơ tạo nên các cuộc khủng hoảng khác. Thể hiện trách nhiệm và khẳng định vai trò đầu tàu của nền kinh tế thế giới, G20 lần đầu thông qua “cơ chế chung” về xử lý nợ của các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đây được coi là bước đi quan trọng hướng tới cải thiện cơ cấu nợ quốc tế và tăng cường khả năng tham gia của lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, IMF cảnh báo, ngoài những nước nghèo nhất thế giới, vẫn còn nhiều nước khác có nguy cơ khó trả nợ và cuộc khủng hoảng này chưa kết thúc, khi thực tế, theo Ngân hàng Thế giới (WB), nợ của 73 nước kém phát triển nhất thế giới năm 2019 tăng 9,5% lên mức cao kỷ lục 744 tỷ USD. Hiện 73 nước đủ điều kiện để tái cơ cấu nợ, trong đó có 38 nước ở phía Nam Xa-ha-ra. 

Trong cuộc khủng hoảng chưa từng có mà thế giới đang phải hứng chịu hiện nay thì các quốc gia nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hơn bao giờ hết, thế giới cần chung tay hợp tác để cùng nhau vượt qua “cơn bĩ cực”. Các nước giàu cần biến các cam kết thành hành động, trong khi nước nghèo phải chủ động tìm biện pháp tự cứu lấy mình để đối mặt thách thức kép hiện nay.