Sứ mệnh tiếp theo

Các nhà đàm phán châu Âu cùng Nga và Trung Quốc đang thúc đẩy các nỗ lực nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân I-ran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong cuộc đàm phán trực tiếp với I-ran diễn ra tại Viên (Áo). Tại đây, các hoạt động ngoại giao con thoi cũng diễn ra nhằm đưa Mỹ và I-ran trở lại đối thoại gián tiếp, mở ra cơ hội hợp tác để giải quyết các bất đồng.

Cuộc đàm phán trực tiếp giữa I-ran với các nước tham gia JCPOA, gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ðức (nhóm 4+1), diễn ra trong bối cảnh bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử đứng bên bờ vực đổ vỡ. Các nhà đàm phán châu Âu đến cuộc gặp với áp lực lớn, vừa phải gây sức ép để Mỹ dỡ bỏ trừng phạt chống Tê-hê-ran, vừa phải tìm cách đưa I-ran trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA.

I-ran nhiều lần chỉ trích châu Âu không thực thi cam kết bảo vệ lợi ích của Tê-hê-ran trước lệnh trừng phạt của Mỹ. Ðể gâp áp lực, I-ran rút dần khỏi các cam kết trong JCPOA. Ngay trước khi bước vào đàm phán, I-ran tuyên bố, chương trình nghị sự của cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về JCPOA tại Viên có đem lại kết quả hay không phụ thuộc vào việc các nước châu Âu và cả nhóm 4+1 kêu gọi Mỹ thực thi nghĩa vụ và hành động theo cam kết. Trong khi đó, Mỹ kiên quyết sử dụng biện pháp "cây gậy" nhằm gây sức ép, đòi I-ran tuân thủ mọi cam kết trước khi xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Việc yêu cầu đối phương đưa ra hành động trước khiến cả Mỹ và I-ran không thể khởi động đối thoại, đẩy JCPOA vào bế tắc và khiến các nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran trở thành "mớ bòng bong" khó gỡ.

Một trong những biện pháp cứng rắn mà I-ran sử dụng để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ là tăng cường làm giàu u-ra-ni. Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử I-ran (AEOI) A.Xa-lê-hi mới đây tuyên bố, nước này đã sản xuất 50 kg u-ra-ni được làm giàu ở cấp độ 20%. Ðây là một phần trong Kế hoạch hành động chiến lược được Quốc hội I-ran thông qua nhằm đối phó các lệnh trừng phạt. Theo đó, AEOI sẽ sản xuất 120 kg u-ra-ni làm giàu ở cấp độ 20% trong vòng một năm, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai kế hoạch ngày 4-1 vừa qua. Tê-hê-ran cho biết, nếu có một thỏa thuận để Mỹ trở lại JCPOA và I-ran có thể kiểm chứng, I-ran sẽ ngay lập tức ngừng làm giàu u-ra-ni mức 20%.

Tình thế đối đầu giữa Mỹ và I-ran từng "hạ nhiệt" sau khi chính quyền mới ở Mỹ tuyên bố đưa Oa-sinh-tơn trở lại tham gia JCPOA. Tuy nhiên, hai bên vẫn tranh cãi về việc ai sẽ hành động trước để cứu bản thỏa thuận. I-ran tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán nào với Mỹ, kể cả trực tiếp hay gián tiếp, nếu Oa-sinh-tơn không dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt chống Tê-hê-ran.

Bởi thế, việc các bên còn lại tham gia JCPOA thúc đẩy "ngoại giao con thoi" nhằm đưa I-ran và Mỹ tới một cuộc đàm phán gián tiếp tại Viên được coi là thành công ngoài mong đợi. Phía Mỹ cho rằng, những cuộc thảo luận gián tiếp là bước đi đầu tiên và hy vọng nắm rõ hơn về lộ trình giúp cả Mỹ và I-ran tuân thủ thỏa thuận. Pháp, Nga, Trung Quốc đều hoan nghênh việc nối lại các cuộc đàm phán tại Viên, đồng thời tin tưởng các bên tham gia sẽ nhất trí các bước cần thiết để I-ran và Mỹ sớm trở lại JCPOA.

Chặng đường phía trước còn nhiều chông gai, song cuộc họp trực tiếp của Ủy ban hỗn hợp về JCPOA đã tạo thuận lợi để gỡ "mớ bòng bong", đưa thỏa thuận hạt nhân I-ran đi đúng hướng. Cuộc gặp mặt tại Viên được đánh giá đã đạt mục tiêu kép, khi vừa đàm phán trực tiếp với I-ran về các bước trở lại thực thi cam kết hạt nhân, vừa đưa Mỹ và I-ran vào cuộc đối thoại gián tiếp nhằm làm dịu căng thẳng. Sứ mệnh tiếp theo của các nhà trung gian là đưa ra lộ trình mà cả Mỹ và I-ran có thể chấp thuận, giúp hồi sinh thỏa thuận hạt nhân lịch sử.