Sứ mệnh kết nối

Đại dịch Covid-19 gây những tác động nghiêm trọng và chưa có tiền lệ, đẩy kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy thoái mới và đe dọa phá hủy hệ thống hợp tác đa phương. Từng giữ vai trò đầu tàu chống chọi khủng hoảng tài chính giai đoạn 2008 - 2009, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục được kỳ vọng thúc đẩy gắn kết các nước trong nỗ lực chung vượt qua khủng hoảng hiện nay.

Hội nghị cấp bộ trưởng G20 diễn ra hôm 22-9 theo hình thức trực tuyến, do A-rập Xê-út chủ trì trong vai trò Chủ tịch luân phiên G20. Một loạt cam kết hợp tác đã được G20 đưa ra, nhất là về chính sách thương mại và đầu tư nhằm ứng phó những tác động kinh tế do dịch Covid-19. Nổi bật là cam kết sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có và thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế và đầu tư toàn cầu, duy trì dòng chảy thương mại quốc tế và ổn định các thị trường thế giới. 

Trước thực trạng nhiều biện pháp hạn chế để chống dịch ảnh hưởng tiêu cực các hoạt động sản xuất và xuất khẩu, các nền kinh tế hàng đầu thế giới kêu gọi nỗ lực chung nhằm khôi phục và thúc đẩy thương mại, loại bỏ các rào cản đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuyên bố của Chủ tịch G20 một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, nhất là trong việc hỗ trợ đà phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh hiện nay. 

Kết quả hội nghị bộ trưởng G20 vừa qua là những cam kết mới nhất, sau nhiều quyết định và giải pháp mà G20 đưa ra từ khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ra khắp thế giới. Những cam kết của G20 được đánh giá là bước đi tích cực và kịp thời trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu đậm gam mầu xám, các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nghèo và thu nhập thấp, vẫn chật vật chống chọi tác động tiêu cực và hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), do các biện pháp đóng cửa nền kinh tế ở nhiều nước, tổng GDP toàn cầu dự kiến sụt giảm 5,2% trong năm nay. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng ước tính, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu có thể giảm tới 30% so mức năm 2019. Liên hợp quốc cảnh báo, tác động kinh tế - xã hội từ dịch Covid-19 có thể làm tăng gần gấp đôi số người dân thế giới rơi vào tình trạng thiếu lương thực khẩn cấp, từ 135 triệu người năm 2009 lên 265 triệu người vào cuối năm nay.

Đáng lo ngại là, trong vòng xoáy tác động tiêu cực của dịch bệnh, xu hướng bảo hộ và hành động đơn phương lại gia tăng, tạo những rào cản nguy hiểm đối với hệ thống thương mại đa phương. Vì lợi ích riêng, một số nước áp dụng những “biểu thuế đen” với hàng hóa nhập khẩu, gây tranh cãi kéo dài, thậm chí làm leo thang thế đối đầu nguy hiểm. Tình trạng hoài nghi, thiếu tin cậy giữa các nước cản trở nhiều mục tiêu hợp tác quốc tế, với cả những dự án có lợi ích chung và mang tính cấp thiết như phát triển và cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 một cách rộng rãi và công bằng.

G20 chiếm tới hai phần ba dân số thế giới, 90% tổng GDP và 80% giá trị thương mại toàn cầu. Với 20 thành viên là các nền kinh tế mạnh, có tiếng nói quan trọng tại các khu vực và toàn cầu, G20 ngày càng có vai trò quan trọng và giữ vị trí trung tâm trong nhiều nỗ lực vượt qua thách thức toàn cầu, gần đây nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính những năm 2008 và 2009. Với cuộc khủng hoảng do Covid-19, G20 cũng đã có nhiều quyết định chính sách và bước đi thực tế nhằm hỗ trợ các nước vượt qua dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế. Trong đó, dư luận đặc biệt hoan nghênh việc G20 cùng các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế cam kết xóa và giãn nợ cho các nước nghèo, nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống Covid-19 còn nhiều gian nan. 

Trước nhiều thách thức hiện nay, Liên hợp quốc thúc giục các nước đoàn kết, ưu tiên hợp tác quốc tế nhằm sớm kiểm soát dịch Covid-19 và phối hợp các chính sách phục hồi kinh tế sau đại dịch. Hơn 10 năm trước, G20 đóng góp lớn trong nỗ lực phục hồi kinh tế toàn cầu sau cuộc suy thoái tồi tệ xuất phát từ khủng hoảng tài chính. Giờ đây, G20 tiếp tục được kỳ vọng phát huy vai trò trung tâm trong sứ mệnh kết nối toàn cầu vượt qua đại dịch.