Sứ mệnh hàn gắn

Sau chuyến công du nhằm củng cố các mối quan hệ đồng minh, đối tác chủ chốt của Mỹ ở châu Á, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blin-ken tới châu Âu với sứ mệnh "làm mới" mối liên kết xuyên Ðại Tây Dương. Tái khẳng định cam kết với các đồng minh quân sự và cài đặt lại hợp tác với các đối tác châu Âu, chính quyền Mỹ đang nỗ lực xóa "vết rạn lớn" trong liên minh truyền thống xuyên đại dương.

Kết quả theo đuổi chính sách "nước Mỹ trước tiên" trong thời gian dài đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn, trong đó có rạn nứt sâu sắc trong quan hệ đồng minh giữa Mỹ và châu Âu. Bởi thế, một trong những cam kết chính sách quan trọng đầu tiên của Tổng G.Bai-đơn là hàn gắn "vết rạn" của mối dây liên kết với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và các đối tác trong Liên hiệp châu Âu (EU).

Sứ mệnh hàn gắn được trao cho Bộ trưởng Ngoại giao A.Blin-ken, trong lần đầu ra mắt các đồng nghiệp NATO và EU. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO và trong cuộc gặp Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc, ông Blin-ken đều nhấn mạnh thông điệp của Mỹ là "hồi sinh" liên minh quân sự và tái thiết mối quan hệ xuyên Ðại Tây Dương. Nhấn mạnh mục tiêu chuyến công du châu Âu là khẳng định cam kết vững chắc của Mỹ đối với NATO, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đã giới thiệu cách tiếp cận mới của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn trong quan hệ với các đồng minh, đó là Oa-sinh-tơn cùng chia sẻ gánh nặng tài chính một cách công bằng, thông qua tham vấn thường xuyên.

Quan điểm nêu trên của Tổng thống G.Bai-đơn đảo ngược cách tiếp cận của người tiền nhiệm, từng làm "mất lòng" nhiều đồng minh chủ chốt của Mỹ tại châu Âu vì chính sách thương mại ưu tiên nước Mỹ và các động thái gây sức ép buộc tăng chi tiêu quốc phòng, chia sẻ nhiều hơn với các "hóa đơn" của NATO. Theo Bộ trưởng A.Blin-ken, các thành viên NATO có nhiều cách thức để chia sẻ chi phí cho hoạt động của khối. Quan điểm mới của Nhà trắng được các nước NATO hoan nghênh, coi đây là cơ sở để xây dựng lại quan hệ xuyên Ðại Tây Dương sau thời gian dài trì trệ.

Nút thắt khúc mắc trong quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, cũng đã tìm được mối gỡ. Trao đổi với Tổng Thư ký NATO, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, tiến trình khôi phục sức mạnh của NATO sau giai đoạn chia rẽ nội bộ cần có đóng góp của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ coi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh lâu năm và có giá trị. Những người đồng cấp Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO, trong đó đề cập mọi mặt trong quan hệ hai nước, kể cả khúc mắc liên quan hợp đồng mua sắm vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên cũng nhắc đến khả năng sớm tổ chức một cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước.

Với quan hệ Mỹ - EU, cơ hội hàn gắn cũng được mở ra. Các nhà lãnh đạo EU đã mời và Tổng thống G.Bai-đơn đồng ý tham dự Hội nghị cấp cao EU, được tổ chức trực tuyến trong hai ngày 25 và 26-3. Cả hai bên đều tuyên bố coi trọng cơ hội này, để cùng nhau vực dậy liên minh xuyên Ðại Tây Dương vốn rơi xuống đáy khủng hoảng trong vài năm gần đây. Trong tuyên bố chung, được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng A.Blin-ken với Ðại diện cấp cao EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại G.Bo-ren, hai bên khẳng định cùng chia sẻ nhận thức và lập trường chung trong nhiều vấn đề và nhất trí khởi động lại các cuộc đối thoại song phương liên quan các vấn đề chiến lược, cũng như giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu. Tại cuộc gặp bên lề hội nghị NATO với những người đồng cấp các nước nhóm V4 (gồm Séc, Hung-ga-ri, Ba Lan và Xlô-va-ki-a), Bộ trưởng Blin-ken cũng khẳng định lại cam kết của Mỹ ủng hộ và hợp tác với bốn nước, vừa là thành viên của cả EU và NATO, có vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh ở Trung Âu, thúc đẩy hàn gắn liên minh xuyên Ðại Tây Dương.

Cả Mỹ và các thành viên NATO đều nhấn mạnh, khối đồng minh quân sự này là nền tảng và giữ vai trò trung tâm trong mối quan hệ xuyên đại dương, giữa châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Mục tiêu cài đặt lại quan hệ giữa hai bờ Ðại Tây Dương trở nên cấp bách. Song, kết quả còn phụ thuộc sự nhượng bộ giữa các bên, cũng như sự thích ứng với môi trường an ninh quốc tế và cán cân quyền lực toàn cầu đang có nhiều thay đổi.