Sự lựa chọn cần thiết

Các quan chức quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) đã thông qua kế hoạch phòng thủ mới của liên minh quân sự này cho Ba Lan và các nước vùng Ban-tích, sau khi các nước thành viên NATO đạt thỏa thuận với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Ðây là một trong những bước thỏa hiệp của An-ca-ra với các thành viên trong khối, trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO trải qua không ít sóng gió.

Việc đạt được thỏa thuận giữa các thành viên khác của NATO với Thổ Nhĩ Kỳ đánh dấu bước đột phá trong nỗ lực hóa giải bất đồng nội khối, sau nhiều tháng đàm phán về yêu cầu của An-ca-ra muốn nhận nhiều hơn sự hỗ trợ của NATO trong cuộc chiến chống lực lượng người Cuốc ở miền bắc Xy-ri.

 Tại Hội nghị cấp cao NATO diễn ra hồi tháng 12-2019, lãnh đạo các nước thành viên NATO, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhất trí thông qua kế phòng thủ quân sự cho Ba Lan và các nước khu vực Ban-tích. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để không thông qua kế hoạch vì An-ca-ra sử dụng điều này làm “con bài” để mặc cả với NATO trong vấn đề người Cuốc. An-ca-ra muốn NATO thừa nhận lực lượng các tay súng người Cuốc là khủng bố bởi yêu cầu này vốn không nhận được sự đồng thuận trong NATO. Mới đây, căng thẳng dấy lên trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Áo cũng liên quan vấn đề này. An-ca-ra  chỉ trích cách xử lý “hà khắc” của Áo đối với người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ trong các vụ xô xát xảy ra giữa người Thổ Nhĩ Kỳ và  các nhóm liên quan đảng Công nhân người Cuốc (PKK) đang sinh sống tại Áo.

Sự thỏa hiệp trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh NATO được đưa ra trong bối cảnh An-ca-ra và Liên hiệp châu Âu (EU) nảy sinh nhiều bất đồng. Các nhà lãnh đạo thuộc ba tổ chức của EU - gồm các Chủ tịch của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, cùng Ðại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU mới đây đến thăm khu vực biên giới E-vrốt giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh A-ten cáo buộc An-ca-ra cổ xúy cho làn sóng di cư mới vào “lục địa già”.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng “con bài di cư” nhằm gây sức ép với EU. An-ca-ra tuyên bố không tiếp tục ngăn cản người di cư vượt biên từ nước này tới EU và khu vực biên giới trên bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu đã mở cửa. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống tàu chở người di cư đến các đảo của Hy Lạp, một động thái bị EU cho là làm suy yếu an ninh và ổn định ở đông Ðịa Trung Hải, kéo theo nhiều vấn đề đối với tất cả các nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ðáp lại, EU khẳng định liên minh 27 quốc gia thành viên luôn kiên định bảo vệ các đường biên giới bên ngoài của EU và ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền của Hy Lạp. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao các nước EU cũng dự kiến nhóm họp vào ngày 13-7 tới để thảo luận về các lệnh trừng phạt mới có thể áp đặt đối với An-ca-ra. EU đã áp đặt trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan hoạt động của An-ca-ra tại vùng kinh tế của CH Síp.

Sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột ở Li-bi cũng là một trong những vấn đề gây căng thẳng quan hệ giữa An-ca-ra với các nước thành viên EU. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích lẫn nhau khi hai bên ủng hộ hai phe phái đối địch tại Li-bi. Pháp bác bỏ cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ về việc Pa-ri hậu thuẫn lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia (LNA) ở miền đông Li-bi, trong khi An-ca-ra công khai ủng hộ lực lượng  Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA). Ðã xảy ra va chạm giữa tàu chiến Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển Ðịa Trung Hải. Một tàu Hy Lạp thuộc phái bộ hải quân EU cũng đã kiểm tra tàu vận tải của Thổ Nhĩ Kỳ do nghi ngờ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Li-bi.

Sự nghi kỵ lẫn nhau khiến Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thất vọng vì EU loại nước này khỏi danh sách các quốc gia được coi là điểm đến an toàn cho khách du lịch, trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành. Tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Ðức trong chuyến thăm Béc-lin mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ M.Ca-vu-xô-glu  phàn nàn về việc này, coi đây là động thái thiếu thiện chí của EU với An-ca-ra. Trong thông điệp gửi phái đoàn EU đến Thổ Nhĩ Kỳ nhân dịp Ngày châu Âu,  Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T.Éc-đô-gan  kêu gọi hai bên nên chung sức trong mọi lĩnh vực và khẳng định rằng, tư cách thành viên đầy đủ của An-ca-ra trong EU sẽ mang đến một tầm nhìn bao quát hơn cho liên minh này. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn đánh tiếng bày tỏ thái độ mong muốn gạt bỏ bất đồng, tăng cường đối thoại, nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán của An-ca-ra về tư cách thành viên EU vốn đang bị đình trệ.

Đứng giữa mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với các đồng minh NATO và không ít bất đồng với EU, Thổ Nhĩ Kỳ đang từng bước điều chỉnh giảm căng thẳng nhằm đạt được những mục tiêu. Bắt tay hợp tác, đối thoại được cho là sự lựa chọn cần thiết của An-ca-ra để xử lý  bất đồng hiện nay trong các mối quan hệ quốc tế.