Quan hệ Anh - EU “gợn sóng”

Sau khi Anh rời “mái nhà chung châu Âu EU”, theo kế hoạch, hai bên sẽ bắt đầu đàm phán chính thức về mối quan hệ tương lai vào đầu tháng 3 tới. Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai bên trong đàm phán thương mại đã bắt đầu lộ diện và giới phân tích quan ngại rằng, tiến trình đàm phán có thể “sụp đổ ngay từ khi chưa bắt đầu”.

Sau khi rời EU hôm 31-1, nước Anh đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến ngày 31-12 và trong thời gian này, Anh sẽ tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn EU. Hai bên dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán chính thức về mối quan hệ tương lai vào tuần đầu tiên của tháng 3 tới, tập trung vào các vấn đề như: mối quan hệ đối tác kinh tế, đặc biệt là hiệp định thương mại tự do, bên cạnh đó là các vấn đề về an ninh và khung pháp lý để giải quyết tranh chấp... Tuy nhiên, những bất đồng giữa hai bên trong đàm phán thương mại đã bắt đầu lộ diện và một số nhà phân tích quan ngại rằng, hai bên không thể kết thúc đàm phán thương mại trong năm nay.

Trước khi bước vào cuộc đàm phán nói trên, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU M.Barnier đã yêu cầu Anh hai điều kiện: Thứ nhất là thống nhất về nguyên tắc trong cuộc chơi chung hiệp định thương mại để London không trở thành một đối thủ cạnh tranh không công bằng; và thứ hai là giải quyết vấn đề rất nhạy cảm liên quan tới đánh bắt cá. Các nguồn tin báo chí châu Âu cho biết, dự thảo thỏa thuận của EU do ông M.Barnier soạn thảo cách đây ít hôm đã kêu gọi Vương quốc Anh “không hạ thấp các tiêu chuẩn” về môi trường xã hội, cũng như các quyền của người lao động và ngang hàng với các tiêu chuẩn của EU về viện trợ nhà nước, các quy tắc cạnh tranh. Một thành viên mà tiếng nói rất “có trọng lượng” trong EU là Pháp thậm chí còn đòi bổ sung thêm những cam kết “có nhiều tham vọng” vào dự thảo thỏa thuận với Anh và coi đó là một điều kiện cho Chính phủ Anh trong bất kỳ hiệp ước nào giữa hai bên trong tương lai. Dự kiến phía EU tiếp tục thảo luận về nội dung mà khối này sẽ đàm phán “hậu Brexit” với Anh để các bộ trưởng của EU ký vào ngày 25-2 để cho phép cuộc đàm phán với London bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 3.

Trong khi đó, dù hai bên chưa bước vào đàm phán chính thức, nhưng phía Anh đã có những động thái thể hiện quan điểm “không lùi bước” trước các đòi hỏi của EU. Trang mạng Theguardian.com vừa dẫn lời Thủ tướng Anh B.Johnson cho biết, Vương quốc Anh sẽ không tuân theo các quy định của EU như “cái giá phải trả” để đổi lấy một hiệp định thương mại tự do và nếu EU nhất quyết yêu cầu, Chính phủ Anh sẽ giải quyết vấn đề thương mại “hậu Brexit” theo các tiêu chuẩn của WTO. Thủ tướng Anh cũng từng khẳng định, London sẽ không vì có được một hiệp định thương mại tự do mới với mục tiêu là “không thuế quan, không hạn ngạch” mà nước Anh lại phải chấp nhận các quy tắc của EU về cạnh tranh, trợ cấp nhà nước, bảo trợ xã hội, y tế, môi trường. Ðồng thời, ông tuyên bố nước Anh mong muốn đạt một thỏa thuận thương mại tự do “theo kiểu Canada - EU được ký năm 2016”.

Trước đó, Chính phủ Anh tuyên bố sẽ không chấp nhận sự giám sát của EU đối với nền kinh tế nước này để đổi lấy mối quan hệ thương mại chặt chẽ sau Brexit. London từng khuyến cáo các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho “những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn” đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU. Phát biểu tại một sự kiện liên quan vấn đề đường biên giới, Quốc vụ khanh cấp cao của Anh M.Gâu-vơ tuyên bố sau Brexit, Anh sẽ ở ngoài thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan EU, do vậy hàng hóa EU nhập khẩu vào Anh sẽ phải qua các kiểm tra giống như hàng hóa từ các nước khác trên thế giới, sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào ngày 31-12-2020.

Trước khả năng vấp phải quan điểm đàm phán cứng rắn của Anh, trước thềm cuộc đàm phán thương mại song phương, ông M.Barnier đã kêu gọi London đáp ứng những gì ông coi là “lời hứa cạnh tranh công bằng với châu Âu” khi hai bên sẽ bắt đầu đàm phán về mối quan hệ song phương “hậu Brexit”. Theo ông, hai bên sẽ phải đàm phán “những nguyên tắc mạnh mẽ để bảo đảm cạnh tranh công bằng và các tiêu chuẩn chung cao”. Nhà đàm phán của EU cũng nhấn mạnh rằng trái với mong muốn của Thủ tướng Anh, EU dự định sẽ trao cho Tòa án công lý châu Âu một vai trò trong việc giải thích luật pháp châu Âu trong mối quan hệ tương lai.

Trước thực trạng nêu trên, truyền thông EU cho biết, một số nước thành viên trong “đại gia đình EU” đang lo ngại con đường đi đến đàm phán thương mại giữa khối này và London có thể khép lại ngay cả trước khi hai bên ngồi lại thảo luận với nhau. Xem ra, “cơn bão Brexit” dù đã kết thúc, nhưng quan hệ Anh - EU vẫn chưa thể “sang trang mới” và việc mối quan hệ song phương này đang “gợn sóng” có thể khiến đàm phán thương mại giữa hai bên tiếp tục là một hành trình cam go và kéo dài.