Phương thuốc hữu hiệu

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (HÐBA) Liên hợp quốc (LHQ) trong tháng 4 này, Việt Nam đã đưa ra các sáng kiến ưu tiên, trong đó nổi bật là chủ đề nhằm thúc đẩy lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Trong bối cảnh nhiều cuộc chiến đang xảy ra, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân ở các khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn bạo lực là một trong những việc làm quan trọng vì một thế giới hòa bình, ổn định.

Phiên thảo luận mở cấp cao “Tăng cường hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột” do Việt Nam chủ trì diễn ra dưới hình thức trực tuyến, đã thu hút sự quan tâm và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế. Diễn ra trong bối cảnh  nhiều cuộc xung đột kéo dài tiếp tục cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và đẩy nhiều người vào cảnh “màn trời chiếu đất”, phiên thảo luận này kịp thời gióng lên hồi chuông thúc giục thế giới cần tăng cường phối hợp để ngăn chặn các “thảm kịch” đang diễn ra. Trong nỗ lực chung của LHQ, sự hợp tác giữa LHQ, nhất là HÐBA, với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực được đánh giá vô cùng quan trọng. Bởi, các tổ chức khu vực có vai trò rất lớn trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột.

Những vấn đề sát thực đã được đưa ra tại cuộc thảo luận trực tuyến của HÐBA do Việt Nam chủ trì và nhận được sự đồng tình của các đại biểu quốc tế. Ðại sứ Ph.K.Mô-ha-mét, Trưởng Phái đoàn thường trực Liên minh châu Phi (AU) tại LHQ cho biết, bà đánh giá cao chủ đề điểm nhấn mà Việt Nam đã lựa chọn đưa ra thảo luận. Ðại diện cho một khu vực đang chứng kiến nhiều cuộc xung đột dai dẳng, kéo dài, bà Ph.K.Mô-ha-mét khẳng định, việc đề cao vai trò của các tổ chức khu vực  có tầm quan trọng rất lớn trong việc thúc đẩy đối thoại, ngoại giao hòa giải trong ngăn ngừa xung đột, cũng như tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột. Từ góc độ AU, bà cho biết, AU đã ký thỏa thuận hợp tác khung với LHQ về hợp tác duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển được ba năm và kể từ đó đến nay, mối quan hệ hai bên luôn được củng cố thông qua nhiều nỗ lực chung hướng tới các giải pháp toàn diện. Chính vì vậy, AU đóng vai trò điều phối tốt hơn trong giải quyết các cuộc xung đột, khủng hoảng ở châu Phi. Tuy nhiên bà cũng cho rằng, LHQ và các tổ chức khu vực còn rất nhiều việc phải làm trong trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tổng thống Kê-ni-a U.Kê-ni-át-ta, người hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Hòa bình và An ninh AU đã kêu gọi các nỗ lực hơn nữa để giải quyết các cuộc xung đột ngày càng gia tăng ở “lục địa đen”. Ông khẳng định, hòa bình và ổn định là ưu tiên chính của châu Phi. Trên thực tế, AU đã đặt hòa bình lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên của mình và đã tạo ra một số cấu trúc thể chế dành riêng cho việc ngăn ngừa và giải quyết xung đột. Theo nhà lãnh đạo Kê-ni-a, các tổ chức khu vực và tiểu khu vực đã quan tâm trực tiếp hơn đến xung đột và có thể cung cấp công việc tiếp cận cộng đồng cùng các ý tưởng phù hợp hơn với tình hình.

Cũng trong tháng 4 này, Việt Nam đã chủ trì và tham gia các phiên họp nhằm giải quyết một số cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như Xy-ri, Y-ê-men, Li-bi… Tại phiên họp về Li-bi, với 15/15 phiếu thuận, HÐBA LHQ đã thông qua các Nghị quyết 2570 và 2571. Nghị quyết 2570 cho phép Phái bộ Hỗ trợ LHQ tại Li-bi (UNSMIL) hỗ trợ Cơ chế Giám sát thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở đề nghị của các bên ở Li-bi và quyết định thiết lập nhóm giám sát ngừng bắn của UNSMIL với tối đa 60 giám sát viên dân sự  trên cơ sở khuyến nghị của Tổng Thư ký LHQ. Nghị quyết 2571 quyết định gia hạn nhiệm vụ của Nhóm Chuyên gia (PoE) về Li-bi của HÐBA đến ngày 15-8-2022. Cả hai nghị quyết này đều hướng tới chấm dứt khủng hoảng, thiết lập hòa bình và ổn định cho quốc gia Bắc Phi. Thảo luận về tình hình Y-ê-men và tình hình nhân đạo ở Ê-ti-ô-pi-a, các nước thành viên HÐBA kêu gọi quốc tế giúp Y-ê-men giải quyết nạn đói và sớm giải ngân cam kết tài trợ cho quốc gia nghèo trên bán đảo A-rập này. Y-ê-men đang đối mặt khó khăn chồng chất như tình hình nhân đạo tiếp tục xấu đi, trong khi số ca mắc Covid-19 tăng mạnh, khủng hoảng kinh tế sâu rộng. Gần 21 triệu người Y-ê-men, trong đó có 11,3 triệu trẻ em, đang đứng bên bờ vực của nạn đói. Các nước hối thúc các bên liên quan chấm dứt hành động thù địch, sớm nối lại đàm phán, đẩy mạnh việc thực hiện Hiệp định Xtốc-khôm và Hiệp định Ri-i-át với vai trò trung gian của LHQ nhằm ngăn chặn xung đột ở Y-ê-men. Trước tình hình bạo lực và nhân đạo ở Ê-ti-ô-pi-a ở mức báo động, các nước thành viên HÐBA kêu gọi nỗ lực quốc tế dành ưu tiên hàng đầu cho việc chấm dứt giao tranh, khởi động đối thoại và tiến trình chính trị ở quốc gia vùng Sừng châu Phi này, nhằm ngăn chặn xung đột đang đẩy hàng chục nghìn người tị nạn chạy sang quốc gia láng giềng, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trong khu vực.

Tìm giải pháp cho các cuộc xung đột là một trong những vấn đề tối quan trọng nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở các khu vực. Một trong những “phương thuốc hữu hiệu” đang được HÐBA LHQ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung thúc đẩy tìm kiếm là sự chung tay phối hợp của các tổ chức khu vực và quốc tế. Tăng cường đối thoại, tạo dựng lòng tin là điều kiện cần để có thể giải quyết xung đột thông qua các giải pháp ngoại giao, là “chìa khóa” mở cánh cửa hòa bình.