Phục hồi tăng trưởng ngành du lịch

Ngành du lịch các quốc gia “lục địa già” đã trải qua hơn một năm khủng hoảng nghiêm trọng dưới tác động tiêu cực của “bão Covid-19”. Giải cứu ngành du lịch, đồng thời trả lại hàng triệu việc làm cho người lao động, đang là một trong những thách thức được Liên hiệp châu Âu (EU) quan tâm hàng đầu hiện nay.

Khi dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng tại châu Âu từ năm 2020, các biện pháp hạn chế và phong tỏa nhằm khống chế dịch bệnh lây lan đã khiến ngành “công nghiệp không khói” của châu lục này rơi vào tình trạng hỗn loạn. Theo đó, nhiều hãng du lịch có nguy cơ phá sản, hàng chục triệu việc làm đã biến mất và ngành hàng không vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch cũng lâm cảnh điêu đứng. Theo số liệu thống kê của Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), du lịch thế giới trải qua thời kỳ đen tối nhất với lượng du khách toàn cầu sụt giảm 73% trong năm 2020; ước tính gần 62 triệu việc làm đã bị “đánh cắp” và thiệt hại lên đến 4,5 nghìn tỷ USD.

Trong “vòng xoáy khủng hoảng” đó, các quốc gia EU đã chịu hậu quả nghiêm trọng bởi ngành du lịch đóng góp khoảng 10% GDP của EU và chiếm 12% tổng số việc làm của khối. Riêng tại các nước Nam Âu, ngành “công nghiệp không khói” có vai trò đặc biệt quan trọng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngành du lịch chiếm tới 20% GDP của Hy Lạp, 18% GDP của Bồ Ðào Nha, 15% GDP của Tây Ban Nha và 13% của I-ta-li-a. Chủ tịch Hiệp hội du lịch và lữ hành của I-ta-li-a cho biết chỉ trong năm 2020, đại dịch gây thiệt hại cho ngành du lịch của nước này ít nhất 84,4 tỷ USD.

Trong bối cảnh nêu trên, giải cứu ngành du lịch đang được các nhà lãnh đạo EU xác định là “việc cần làm ngay” của khối này. Những tuần gần đây, khi chiến dịch “phủ sóng vắc-xin” được đẩy nhanh, châu Âu đang chứng kiến sự cải thiện rõ rệt số ca nhiễm Covid-19.

Theo đó, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo ở châu Âu đã kêu gọi mở cửa lại khu vực du lịch. Trong đó, “hộ chiếu vắc-xin” đang được xem là một trong những “liều thuốc” quan trọng với ngành du lịch khu vực. Giới chuyên gia đang hy vọng, việc  EU cho phép áp dụng “chứng nhận xanh kỹ thuật số” như giấy thông hành để thuận tiện cho việc đi lại dự kiến bắt đầu từ tháng 6 tới, sẽ giúp gia tăng hoạt động đi lại và kích thích phục hồi ngành du lịch.

Bên cạnh đó, các Bộ trưởng Du lịch thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây cũng đã cam kết hỗ trợ sáng kiến di chuyển quốc tế an toàn, xem đây như giải pháp giúp khởi động lại ngành du lịch của thế giới. Bồ Ðào Nha, nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đã kêu gọi các nước thành viên sớm thông qua kế hoạch “hộ chiếu y tế kỹ thuật số” để cứu ngành du lịch châu Âu sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ở cấp độ quốc gia, các thành viên trong “đại gia đình EU” cũng đang ráo riết triển khai các kế hoạch kích thích tài chính và “hẹn ngày” tái phục hồi hoạt động của ngành du lịch. Hy Lạp vừa thông báo mở cửa trở lại đối với hoạt động du lịch kể từ ngày 14-5. Trong khi đó, Tổng thống Pháp E.Ma-crông đã thông báo kế hoạch bốn giai đoạn nhằm cho phép du khách nước ngoài vào Pháp nếu có “giấy thông hành y tế” kể từ tháng 6. Tại một cường quốc du lịch khác là Tây Ban Nha, chính phủ cho biết sẽ cấp khoảng 4,1 tỷ USD cho ngành du lịch trong vòng ba năm tới. Trong khi Man-ta, quốc đảo nằm ở khu vực Ðịa Trung Hải, cấp 24,3 tỷ USD kích cầu ngành du lịch và dự kiến mở cửa đón những du khách đầu tiên vào ngày 1-6 tới…

Cho dù đa số các chuyên gia đều nhất trí rằng, ngành du lịch của châu lục này không thể phục hồi “một sớm một chiều” và ít nhất phải năm 2023 mới có thể trở lại “trạng thái bình thường cũ”, nhưng với nỗ lực của EU và các quốc gia thành viên nêu trên, triển vọng ngành du lịch đang sáng dần. EU hiện đã đặt mục tiêu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho 70% số người trưởng thành vào tháng 6 tới. Theo đó, việc đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân và chấp nhận “hộ chiếu vắc-xin” sẽ là “chìa khóa” giúp phục hồi tăng trưởng ngành “công nghiệp không khói” của châu Âu.