Phủ sóng vắc-xin toàn cầu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng như hiện nay, “phủ sóng” vắc-xin toàn cầu đang trở thành yêu cầu cấp thiết để khôi phục nhịp sống bình thường và khơi thông nhiều “huyết mạch kinh tế” đang tê liệt. Tuy nhiên, việc bảo đảm công bằng và giúp mọi quốc gia có thể nhanh chóng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 hiện phải đối mặt nhiều thách thức lớn.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 15-2, dịch Covid-19 đã lây lan tới 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 109,4 triệu người nhiễm bệnh và hơn 2,4 triệu người chết. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng đã xuất hiện những tín hiệu khả quan khi số ca tử vong mới hằng ngày đang liên tục giảm tại Ấn Độ, Nga và một số nước. Bên cạnh đó, tiến độ sản xuất và “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19 cũng đang được các quốc gia đẩy nhanh tại Anh, Liên hiệp châu Âu (EU), Mỹ...
 
 Tại Anh, trong một tuyên bố trên tài khoản Twitter hôm 14-2, Bộ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng cho biết đã có 15 triệu người dân được tiêm chủng mũi đầu tiên. Phủ sóng vắc-xin cũng đang trở thành “việc cần làm ngay” tại EU. Theo đó, Ủy viên EU phụ trách y tế vừa tuyên bố EU đã đồng ý phê duyệt nhanh các loại vắc-xin mới có khả năng đối phó với các biến thể của vi-rút SARS-CoV-2. Theo đó, các loại vắc-xin này sẽ không phải đòi hỏi trải qua toàn bộ quá trình phê duyệt và EU sẽ cho phép các vắc-xin phù hợp được nhanh chóng sử dụng để phát huy hiệu quả.
 
 Nhật Bản vừa phê chuẩn vắc-xin của hãng Pfizer/BioNTech sử dụng trong nước, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ ba trước Thế vận hội Ô-lim-pích mùa hè diễn ra vào tháng 7 tới. Ở Mỹ, điểm nóng toàn cầu về dịch Covid-19, tiến độ sản xuất và tiêm vắc-xin diện rộng cũng đang được chính quyền của Tổng thống G.Bai-đơn đẩy nhanh. Tổng thống Mỹ mới đây đã tiết lộ kế hoạch tiêm chủng vắc-xin ngay sau khi ông đề xuất gói chi tiêu 1,9 nghìn tỷ USD để chống lại suy thoái kinh tế, trong đó có 20 tỷ USD cho “chương trình vắc-xin quốc gia”. Trước đó, ông đã nhiều lần cho biết dự định cung cấp 100 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân Mỹ trong vòng 100 ngày sau khi ông trở thành “ông chủ Nhà trắng”.
 
 
 Trong khi tiến độ cung ứng và tiêm vắc-xin khả quan tại các quốc gia đơn lẻ, hầu hết là nước phát triển, thì nỗ lực “phủ sóng” vắc-xin ngừa Covid-19 trên toàn cầu đang đối mặt nhiều thách thức. Trước hết, thế giới vẫn thiếu kinh phí đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19. Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, dù đầu tư công và tư vào sản xuất loại vắc-xin này hiện ở mức chưa từng có tiền lệ, song ước tính vẫn cần thêm 6,8 tỷ USD trong năm 2021 để có thể bảo đảm sản xuất và cung ứng vắc-xin cho 92 quốc gia đang phát triển. Bảo quản và sử dụng vắc-xin cũng là khó khăn lớn với nhiều quốc gia đang phát triển. Mặc dù hiện đã có tới hơn 20 loại vắc-xin ngừa Covid-19 được phát triển hoặc phê duyệt lưu hành, song các nước có thu nhập thấp vẫn thiếu kinh phí và cơ sở hạ tầng để vận chuyển và bảo quản vắc-xin, nhất là các loại vắc-xin đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh trong suốt quá trình phân phối.
 
 Bên cạnh đó, “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” cũng là một trở ngại với việc tiêm chủng ngừa Covid-19 rộng rãi trên toàn cầu. Thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã cam kết tham gia COVAX - một sáng kiến hợp tác toàn cầu nhằm tăng tốc phát triển, sản xuất và bảo đảm tiếp cận công bằng với các phương pháp xét nghiệm, điều trị và vắc-xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin” với việc các nước giàu “nhanh tay” mua, trữ vắc-xin với khối lượng lớn có thể khiến sáng kiến COVAX không hiệu quả vì thiếu hụt vắc-xin cho các nước nghèo hơn.
 
 Để bảo đảm nhanh chóng “phủ sóng” vắc-xin toàn cầu, theo sáng kiến của Anh, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên kế hoạch thảo luận về tình trạng tiếp cận các loại vắc-xin ngừa Covid-19 vào ngày mai (17-2). Hy vọng những vấn đề bất đồng lớn giữa các nước thành viên chung quanh việc phân phối, tiếp cận vắc-xin sẽ được thảo luận
 
 và bài toán phủ sóng vắc-xin toàn cầu sẽ có lời giải từ cuộc thảo luận này. Muốn sớm chấm dứt dịch bệnh và nhanh chóng đưa cuộc sống trở lại quỹ đạo bình thường, tất cả các nước cần đoàn kết phòng, chống đại dịch, đồng thời bảo đảm phân chia vắc-xin một cách nhanh chóng và công bằng. Nếu không nỗ lực đơn lẻ của một vài quốc gia có thể sẽ chỉ là “công dã tràng” mà thôi.