Phía sau một cuộc chiến kéo dài

Loạt vụ đánh bom đẫm máu khiến gần 50 người chết tại thành phố cảng miền nam Aden mới đây cho thấy mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột kéo dài ở Yemen.

Quốc gia nghèo nhất bán đảo A-rập bị chìm trong hỗn loạn, bị kéo lùi sự phát triển tới 20 năm và rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Việc thực thi thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian dường như không có tiến triển, trong khi nguy cơ về một cuộc chiến kéo dài ở Yemen là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở khu vực.

Các lực lượng an ninh vũ trang hạng nặng và xe bọc thép đã được triển khai nhằm bảo vệ các cơ quan chính phủ và căn cứ quân sự tại nhiều khu vực thuộc thành phố cảng Aden, sau loạt vụ đánh bom nhằm vào lực lượng quân đội Yemen. Các đơn vị chống khủng bố được đặt trong tình trạng báo động và cảnh giác cao độ trước thông tin tình báo cho thấy các nhóm khủng bố đang âm mưu thực hiện thêm các vụ tiến công nhằm vào những mục tiêu ở Aden, thành phố lớn thứ hai của Yemen hiện do chính phủ kiểm soát.

Lỗ hổng an ninh được tạo ra do cuộc nội chiến giữa các lực lượng ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận và phiến quân Houthi ở Yemen đã khiến nhánh Al Qeada trên báo đảo A-rập lợi dụng để thực hiện các vụ tiến công khủng bố. Trong khi đó, phiến quân Houthi cũng tiếp tục cuộc chiến chống quân đội và liên quân A-rập ủng hộ chính phủ Yemen.

Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, chủ yếu là dân thường và khiến cho Yemen rơi vào tình trạng kinh tế kiệt quệ và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Theo Liên hợp quốc, khoảng 24 triệu người Yemen cần viện trợ nhân đạo và cần được bảo vệ, trong đó 20 triệu người, tương đương hai phần ba số dân nước này, thiếu lương thực. Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhận định, bốn năm xung đột đã kéo lùi sự phát triển của Yemen tới 20 năm.

Liên quân do A-rập Xê-út dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen từ tháng 3-2015 để hỗ trợ Tổng thống M.Hadi, trong bối cảnh phiến quân Houthi chiếm giữ nhiều khu vực phía bắc nước này, bao gồm thủ đô Sanaa, buộc chính quyền của ông Hadi phải lưu vong. Sau nỗ lực trung gian không mệt mỏi, Liên hợp quốc mới đây thông báo, các bên xung đột tại Yemen đã nhất trí về các biện pháp mới nhằm củng cố lệnh ngừng bắn cũng như xúc tiến hoạt động rút quân khỏi thành phố cảng Hodeida bên bờ Biển Ðỏ, tuyến vận tải hàng hóa và lương thực chiến lược vào Yemen. "Ðiểm nóng" xung đột này trong nhiều tháng qua đã cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo ở quốc gia này.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn trên giấy chưa hiệu quả và cuộc chiến ở Yemen khó có thể chấm dứt nếu không có thiện chí của các bên liên quan. Thực tế cho thấy, việc chấm dứt cuộc xung đột ở quốc gia này không chỉ phụ thuộc vào các bên tham chiến, trong bối cảnh sự tham gia của các nước khác trong cuộc khủng hoảng khiến tình hình ở Yemen thêm phức tạp. Vấn đề Yemen cũng gây chia rẽ trong Quốc hội Mỹ khi không ít nghị sĩ Mỹ kêu gọi chấm dứt sự hậu thuẫn của Washington dành cho A-rập Xê-út, quốc gia dẫn đầu các chiến dịch không kích chống lực lượng Houthi ở Yemen. Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết chấm dứt sự can dự của Washington trong cuộc chiến do liên quân A-rập tiến hành tại Yemen, trong đó yêu cầu Tổng thống D.Trump rút các lực lượng vũ trang Mỹ khỏi tình trạng đối đầu hoặc tác động tới Yemen.

Giới lập pháp Mỹ cho rằng, việc nước này liên quan cuộc xung đột ở Yemen thông qua hoạt động chia sẻ tình báo và hỗ trợ logistics là vi hiến. Họ cho rằng, A-rập Xê-út đã vượt quá giới hạn trong cuộc chiến tại Yemen khi chiến dịch quân sự do Riyad tiến hành khiến số dân thường chết không ngừng tăng. Tuy nhiên, Tổng thống D.Trump đã sử dụng quyền hành pháp của mình phủ quyết ba nghị quyết của Quốc hội lưỡng viện Mỹ nhằm chặn các thương vụ bán vũ khí cho các đồng minh. Gần đây nhất, Thượng viện Mỹ cũng đã thất bại trong việc vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống đối với lệnh cấm được Quốc hội Mỹ thông qua, trong đó ngăn chặn việc bán vũ khí cho A-rập Xê-út.

Những tác động từ nhiều phía vào cuộc chiến tại Yemen đã cản trở các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa các phe phái ở nước này do Liên hợp quốc làm trung gian. Nếu các bên liên quan tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết vấn đề thì mọi hậu quả đau thương đều đổ lên đầu dân thường vô tội. Liên hợp quốc đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay đang diễn ra ở Yemen, song các nỗ lực chấm dứt xung đột vẫn chưa hiệu quả và hòa bình cho quốc gia này còn quá xa vời.