Ðộng thái tích cực

I-ran và các nước phương Tây đã có động thái "rút củi đáy nồi" để hạ nhiệt căng thẳng, sau khi cả hai phía đều tỏ thái độ cứng rắn trong cách tiếp cận đối với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ngăn không để JCPOA đổ vỡ là nỗ lực mà các bên tham gia thỏa thuận đã cố hành động, dù việc đạt được giải pháp có thể thỏa mãn điều kiện của các bên là vô cùng gian nan.

Việc các nước châu Âu không công bố nghị quyết lên án I-ran tại cuộc họp của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) diễn ra ở Viên (Áo) mới đây đã giúp "hạ nhiệt" tức thì căng thẳng đang leo thang trong quan hệ giữa phương Tây với I-ran. Là các bên còn lại tham gia JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận lịch sử này, các nước Anh, Pháp, Ðức đã cố níu giữ thỏa thuận mong manh đang bên bờ sụp đổ. Ngay trước cuộc họp của IAEA, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu đã lên kế hoạch thúc đẩy một nghị quyết lên án I-ran về việc Tê-hê-ran giảm hợp tác với IAEA trong các hoạt động thanh sát đối với các cơ sở hạt nhân của quốc gia Hồi giáo. Ðáp lại, I-ran đe dọa dỡ bỏ giải pháp tạm thời với IAEA về việc thanh sát nếu Anh, Pháp và Ðức đưa ra nghị quyết lên án I-ran. Tuy nhiên vào phút chót, kế hoạch của các nước châu Âu được thu hồi sau nỗ lực của Tổng Giám đốc IAEA R.Grót-xi nhằm đạt thỏa hiệp với I-ran. Người đứng đầu IAEA thông báo, I-ran đã đồng ý tham gia nỗ lực chung mang tính tập trung và có hệ thống nhằm làm sáng tỏ nghi vấn mà IAEA đặt ra về khả năng từng có nhiên liệu hạt nhân tại các địa điểm chưa được công bố ở quốc gia Hồi giáo. Tiến trình này dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 4 tới, với các cuộc họp kỹ thuật tại I-ran.

I-ran đã phát đi những tín hiệu tích cực đối với việc nối lại giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân và tổ chức các cuộc họp không chính thức. Ðiều này góp phần làm dịu căng thẳng có nguy cơ bị đẩy lên đỉnh điểm giữa I-ran với IAEA và các nước phương Tây. Ðại sứ I-ran tại IAEA nhấn mạnh rằng, qua các cuộc tham vấn ngoại giao tích cực, đã xuất hiện những tia hy vọng giúp ngăn chặn các căng thẳng không cần thiết. Trong khi đó, Mỹ bày tỏ hy vọng I-ran sẽ tham gia nỗ lực ngoại giao sau khi các đồng minh châu Âu rút lại hành động cứng rắn đối với Tê-hê-ran. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ N.Prai-xơ nêu rõ, Mỹ vui mừng và coi đây là nỗ lực ngoại giao mà Oa-sinh-tơn mong chờ sẽ có sự tham gia của Tê-hê-ran, qua đó dẫn tới tiến bộ vững chắc và đáng tin cậy liên quan vấn đề hạt nhân của quốc gia Trung Ðông này. Ông N.Prai-xơ khẳng định, Mỹ sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại tích cực với I-ran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ A.Blinh-ken cũng đề cập việc Oa-sinh-tơn sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nếu Tê-hê-ran tuân thủ cam kết trong JCPOA. 

Việc các nước châu Âu ngừng đưa ra nghị quyết chống I-ran được coi là một động thái nhằm dành thêm thời gian cho các nỗ lực ngoại giao. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng khó hóa giải giữa Mỹ và I-ran. Mỹ đòi I-ran tuân thủ cam kết trong JCPOA mới dỡ bỏ cấm vận, trong khi Tê-hê-ran đòi Oa-sinh-tơn phải dỡ bỏ trừng phạt trước khi hai bên có thể đối thoại. Các điều kiện được đưa ra đẩy hai bên vào thế giằng co, không bên nào chịu nhượng bộ trước. Trong khi đó, Mỹ mới đây còn nêu rõ, I-ran cần làm rõ những lo ngại của IAEA về hạt u-ra-ni được tìm thấy tại các cơ sở cũ và không được công khai trước cuộc họp của Ban Giám đốc IAEA.  Oa-sinh-tơn khẳng định sẽ xác định rõ quan điểm về những bước đi tiếp theo tùy theo hành động cụ thể của I-ran nhằm tháo gỡ các lo ngại này.

Tổng thống Pháp yêu cầu người đồng cấp I-ran H.Ru-ha-ni đưa ra những động thái rõ ràng và ngay lập tức quay trở lại tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc phương Tây. IAEA kêu gọi I-ran không sử dụng vấn đề thanh sát các cơ sở hạt nhân làm "con bài mặc cả" và cho rằng quốc gia này cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với cơ quan giám sát của Liên hợp quốc nhằm tránh những nghi ngờ liên quan chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Trong những ngày qua, cả I-ran và phương Tây đều đưa ra những lời lẽ "nắn gân nhau" rồi cả hai bên lại có động thái "cơm sôi bớt lửa", mở đường cho các nỗ lực ngoại giao tiếp theo. "Hồ sơ hạt nhân I-ran" chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại và việc tuân thủ các cam kết trong JPCOA được cho là cách duy nhất để duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.