Bình luận quốc tế

Ðộng lực và thách thức

Cuộc đàm phán giữa hai phe đối địch ở Li-bi đạt tiến triển, tạo thêm động lực và dấy lên hy vọng về khả năng thành lập một chính phủ hợp nhất ở quốc gia hiện tồn tại hai chính quyền. Tuy nhiên, rạn nứt nội bộ lại xuất hiện, có thể cản trở tiến trình hòa bình, trong khi các cuộc biểu tình bùng phát ở miền đông tiếp tục đặt ra nhiều thách thức.

Cuộc khủng hoảng kéo dài ở Li-bi là một trong những vấn đề quốc tế gai góc, nhất là với các nước trong khu vực và các thành viên Liên hiệp châu Âu (EU). Hàng loạt vấn đề phát sinh từ cuộc khủng hoảng Li-bi, như sự trỗi dậy của các tay súng thánh chiến hay làn sóng di cư, tác động mạnh tới các nước cả hai bờ Ðịa Trung Hải. Bởi thế, tìm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột ở Li-bi được coi là "chìa khóa" mở cánh cửa hòa bình và ổn định cho toàn khu vực. Với sự trung gian của Ma-rốc, bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), các đại diện hai chính quyền đối địch ở Li-bi, gồm Chính phủ đoàn kết dân tộc Li-bi (GNA) và nghị viện ở miền đông nước này, đã nhất trí một số tiêu chí quan trọng liên quan đàm phán hòa bình và tiến trình bổ nhiệm các vị trí quan trọng của đất nước. Hai bên đã có những thỏa hiệp và xác nhận thời điểm tổ chức cuộc đàm phán tiếp theo vào tuần cuối tháng 9 tới, nhằm hoàn thiện các cơ chế bảo đảm thực thi thỏa thuận.

Bế tắc kéo dài trên bàn đàm phán được khai thông, tạo thuận lợi cho các bước tiếp theo trong tiến trình chính trị ở Li-bi. Hội đồng Nhà nước thuộc GNA tuyên bố sẵn sàng tổ chức trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp và xem xét lại quyền lực của cơ quan hành pháp. Hội đồng cũng nhất trí ủng hộ các cuộc đàm phán tại Ma-rốc và Thụy Sĩ trong ba lĩnh vực chủ chốt, gồm ủng hộ Hiến pháp mới qua việc tổ chức trưng cầu ý dân; điều chỉnh quyền lực của nhánh hành pháp khi chuyển cơ chế Hội đồng tổng thống thành Tổng thống và hai Phó Tổng thống, cùng Thủ tướng, tách biệt khỏi hội đồng; thỏa thuận giữa Hội đồng Nhà nước và các nghị sĩ về bổ nhiệm các chức vụ hành chính công. Nếu được thực thi, thỏa thuận sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm chấm dứt tình trạng "một nước hai chế độ", với việc thành lập một chính phủ thống nhất giữa GNA phủ được quốc tế công nhận và có trụ sở ở thủ đô Tơ-ri-pô-li với chính quyền ở miền đông, do lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Li-bi (LNA) của Tướng K.Háp-ta hậu thuẫn.

Ðàm phán giữa GNA và chính quyền ở miền đông có bước tiến tích cực, song tình hình Li-bi vẫn diễn biến phức tạp do phong trào biểu tình phản đối ở miền đông. Hàng trăm người Li-bi xuống đường ở thành phố Ben-ga-di, một trong những thành trì của Tướng K.Háp-ta, cũng như tại một số thành phố khác, nhằm phản đối tình trạng tham nhũng, thiếu điện, nhiên liệu và tiền mặt. Trước sức ép biểu tình, chính quyền đóng tại khu vực miền đông do Thủ tướng A.Tha-ni đứng đầu đã đệ đơn từ chức. Trong khi đó, Thủ tướng GNA Ph.Xa-rai cũng công bố ý định từ chức vào cuối tháng 10 tới, động thái được cho là xuất phát từ bất đồng nội bộ và có khả năng làm căng thẳng chính trị leo thang trong chính phủ ở Tơ-ri-pô-li.

Các cường quốc khu vực và thế giới, vốn hậu thuẫn hai phe đối địch ở Li-bi, cũng thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm giải pháp hòa bình cho quốc gia Bắc Phi. Các nhóm vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ được cho là hậu thuẫn GNA, trong khi LNA được Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), Nga, Pháp và Ai Cập ủng hộ. Là hai nhà trung gian quan trọng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức nhiều cuộc trao đổi về tình hình Li-bi. Hồi giữa tháng 9, giới chức hai nước họp tại An-ca-ra nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận chính trị lâu dài cho Li-bi. Trong khi đó, Pháp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Li-bi, đồng thời kêu gọi các nước EU phản đối Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp vào Li-bi. Là khu vực chịu tác động trực tiếp từ những bất ổn do cuộc khủng hoảng Li-bi, EU hối thúc các bên ở Li-bi thực thi thỏa thuận, theo đó thiết lập lệnh ngừng bắn, hồi hương chiến binh nước ngoài, dỡ bỏ phong tỏa dầu mỏ và khởi động lại tiến trình chính trị và tiến hành bầu cử công bằng. EU khẳng định ủng hộ giải pháp chính trị do chính người Li-bi làm chủ.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi tiếp tục các cuộc đàm phán hòa bình Li-bi. Còn không ít trở ngại, cả nội tại lẫn từ bên ngoài, song những bước tiến triển tích cực gần đây cần được duy trì là nền tảng và động lực trên con đường hòa bình cho Li-bi.

THÁI THANH