Ðộng lực thúc đẩy giao thương

Tổng Thư ký Hiệp định Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) V.Men vừa có chuyến thăm Ai Cập nhằm trao đổi về các giải pháp kích hoạt thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất thế giới này. Vốn được coi là sự khởi đầu đầy hứa hẹn để tiến tới mục tiêu hội nhập lục địa cũng như thúc đẩy kinh tế và thương mại của các quốc gia châu Phi, thỏa thuận chính thức có hiệu lực, song vẫn còn không ít rào cản để văn kiện này được thực thi, tạo động lực thúc đẩy giao thương ở "lục địa đen".

Chuyến thăm của Tổng Thư ký AfCFTA tới Ai Cập diễn ra trong bối cảnh các nước châu Phi bắt đầu chính thức thực thi AfCFTA từ ngày 1-1-2021, sau nhiều tháng bị trì hoãn do đại dịch. Khi đi vào hoạt động đầy đủ, AfCFTA sẽ là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với quy mô 1,3 tỷ người và tổng giá trị GDP lên tới 3.400 tỷ USD. Hiện 41 trong tổng số 54 nước thành viên tham gia AfCFTA đã đệ trình quy trình giảm thuế. Theo kế hoạch, các nước phải từng bước dỡ bỏ 90% các dòng thuế theo quy trình kéo dài 5 năm đối với các nền kinh tế đang phát triển và 10 năm đối với các nền kinh tế kém phát triển; 7% các dòng thuế "nhạy cảm" sẽ cần nhiều thời gian hơn, trong khi 3% còn lại được phép đưa vào danh sách loại trừ. Tổng Thư ký V.Men đánh giá cao sự quan tâm của Ai Cập đối với sự phát triển của AfCFTA ngay từ khi quốc gia này đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Phi (AU) năm 2019. Tổng thống Ai Cập A.Xi-xi khẳng định, quốc gia Bắc Phi sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn để giúp thúc đẩy thỏa thuận, coi sự ổn định là yếu tố quan trọng hàng đầu nhằm đem lại môi trường thuận lợi để AfCFTA có thể phát huy những tiềm năng vốn có.

AfCFTA có khả năng giúp các nền kinh tế ở khu vực phát triển mạnh hơn khi đối mặt các cuộc khủng hoảng toàn cầu trong tương lai. Ðại dịch Covid-19 đã cho châu Phi "nếm trải" sự tổn thương khi phải phụ thuộc vào các đối tác thương mại toàn cầu. Việc thực hiện thành công AfCFTA được cho là sẽ hỗ trợ sự phát triển của các chuỗi giá trị khu vực có tính cạnh tranh và làm tăng khả năng phục hồi, đồng thời giúp tăng cường quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia và khu vực, bao gồm cả trong lĩnh vực y tế. Do đó, AfCFTA có thể giúp nền kinh tế châu Phi tăng trưởng mạnh hơn. Ðại dịch cũng cho thấy tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật số, một yếu tố thúc đẩy thương mại nội khối và tăng trưởng kinh tế tổng thể. Giao thức thương mại điện tử được tạo ra trong khuôn khổ của AfCFTA sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các nền kinh tế châu Phi.

Khu vực thương mại tự do châu Phi được kỳ vọng sẽ kích thích thương mại nội khối, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và công nghiệp hóa của châu lục. Theo kết quả nghiên cứu, các nước châu Phi hiện nhập khẩu tới 94% sản phẩm y tế từ bên ngoài và việc thành lập AfCFTA được kỳ vọng có thể thúc đẩy hoạt động thương mại nội khối lên mức hơn 52% vào năm 2022. AfCFTA giúp tăng cường thương mại nội khối thông qua cắt giảm hoặc loại bỏ thuế quan xuyên biên giới đối với phần lớn hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển vốn và người dân, thúc đẩy đầu tư và mở đường cho một liên minh thuế quan trên toàn châu lục.

Mặc dù chính thức có hiệu lực, song thực tế, chưa có hàng hóa nào được xuất khẩu hoặc nhập khẩu dưới mức thuế bằng 0 hoặc thuế nhập khẩu giảm theo AfCFTA. Trong khi đó, các quy tắc xuất xứ, bước thiết yếu để xác định sản phẩm nào có thể bị áp thuế và chịu thuế, còn đang tiếp tục được hoàn thiện. Theo Chánh văn phòng Ban Thư ký AfCFTA X.Ô-gia-côn, gần 90% các quy tắc xuất xứ đã được thống nhất, song khoảng 10% còn lại phải được hoàn thành vào tháng 7 năm nay. Trong khi đó, những trở ngại trong việc kích hoạt AfCFTA không chỉ là vấn đề hài hòa thuế quan mà thách thức lớn nhất hiện nay được cho là tính liên kết cơ sở hạ tầng để tạo thuận lợi giao dịch, trong bối cảnh các liên kết hạ tầng về đường bộ và đường sắt của châu Phi còn yếu kém.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, AfCFTA có thể giúp hàng chục triệu người dân trong châu lục thoát nghèo vào năm 2035. Thỏa thuận cũng là nhân tố quan trọng nhằm giúp "lục địa đen" vượt "bão" Covid-19. Tuy nhiên, để AfCFTA được kích hoạt đầy đủ và giúp khơi thông dòng chảy thương mại ở châu Phi, các nước cần đẩy nhanh việc hoàn thiện thủ tục cũng như giải quyết các khúc mắc tồn đọng bên trong, góp phần thúc đẩy vị thế thương mại của châu Phi trên thị trường toàn cầu.