Ðộng lực mở cánh cửa hòa bình

Dưới sự bảo trợ của A-rập Xê-út, Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận đã chính thức ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực với lực lượng ly khai nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh giành quyền lực tại miền nam Yemen.

Ðây là một bước tiến quan trọng hướng tới hòa bình, bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ Yemen, tạo động lực cho việc tìm ra một giải pháp chính trị toàn diện nhằm đưa quốc gia nghèo nhất bán đảo A-rập thoát khỏi cuộc khủng hoảng kéo dài.

Lễ ký thỏa thuận chấm dứt xung đột giữa Chính phủ và phiến quân ở miền nam Yemen đã được phát sóng trên Ðài truyền hình nhà nước A-rập Xê-út, khi Riyadh hoàn thành vai trò trung gian cho thỏa thuận hòa bình. Liên quân A-rập do A-rập Xê-út dẫn đầu sẽ lãnh đạo một ủy ban chung về thực thi thỏa thuận Riyadh, theo đó quy định thành lập một chính phủ bao gồm 24 bộ trưởng với tỷ lệ đại diện từ các tỉnh miền bắc và miền nam bằng nhau. Vấn đề miền nam Yemen sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán chính trị.

Nội dung thỏa thuận cũng dự tính, Thủ tướng Yemen đang lưu vong ở A-rập Xê-út sẽ trở về thành phố miền nam Aden để khôi phục hoạt động của các văn phòng chính phủ, trả lương cho quan chức quân đội và công chức dân sự tại những khu vực thuộc kiểm soát của Chính phủ Tổng thống M.Hadi. Thỏa thuận này được coi là một giải pháp chính trị quan trọng nhằm đem lại hòa bình cho khu vực miền nam Yemen vốn luôn phải hứng chịu xung đột bạo lực giữa phe ly khai và lực lượng chính phủ; sẽ ngăn chặn mưu đồ của lực lượng ly khai ở miền nam muốn tìm cách tách ra độc lập.

Thỏa thuận hòa bình ở Yemen được các nước trong khu vực hoan nghênh.

Triển vọng hòa bình ở miền nam sẽ giúp người dân Yemen bớt đi một cuộc xung đột mà họ phải hứng chịu, khi tại quốc gia nghèo nhất bán đảo A-rập nhiều năm qua tồn tại các cuộc xung đột đan xen. Tình cảnh các cuộc xung đột trong lòng cuộc nội chiến ở Yemen đã kéo lùi sự phát triển của nước này. Liên hợp quốc cảnh báo, Yemen sẽ trở thành quốc gia nghèo đói nhất thế giới, với 79% dân số sống dưới mức nghèo khổ và 65% được xếp vào hạng nghèo đói cùng cực, nếu xung đột tiếp tục kéo dài đến năm 2022. Chiến tranh đã khiến số người nghèo đói tại Yemen tăng lên mức 47% dân số vào năm 2014 và được dự báo sẽ chiếm 75% dân số vào cuối năm 2019. Cuộc chiến tại Yemen khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng, đẩy nước này rơi vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng nhất thế giới, với hơn 24 triệu người (chiếm hơn hai phần ba dân số Yemen) cần viện trợ khẩn cấp.

Thỏa thuận hòa bình ở miền nam đang khích lệ các bên xung đột ở phía tây của miền bắc Yemen ngồi vào bàn đàm phán để tìm giải pháp chính trị. Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, liên quân A-rập do A-rập Xê-út đứng đầu hậu thuẫn chính phủ đang đàm phán với các phiến quân Houthi, lực lượng kiểm soát thủ đô Sanaa từ cuối năm 2014. A-rập Xê-út đã thiết lập và duy trì một kênh đối thoại mở với Houthi. Hiện được coi là thời điểm thích hợp để xúc tiến đàm phán và là cơ hội lớn nhất để Yemen tiến tới chấm dứt hoàn toàn xung đột trên các vùng lãnh thổ với các nhóm phiến quân.

Ðặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen M.Griffiths đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận hòa bình giữa Houthi và liên quân A-rập khi các bên tham chiến ở Yemen xây dựng được các địa điểm giám sát ngừng bắn chung tại thành phố cảng huyết mạch Hodeidah. Lệnh ngừng bắn ở "điểm nóng" Hodeidah, thành phố cảng chiến lược bên bờ Biển Ðỏ của Yemen, sẽ giúp hạ căng thẳng, tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế tiếp cận các khu vực đang phải hứng chịu hậu quả chiến tranh.

Liên hợp quốc nỗ lực hối thúc cả liên quân do A-rập Xê-út đứng đầu và lực lượng Houthi đưa ra các biện pháp xây dựng lòng tin, mở đường cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt nội chiến ở Yemen. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song đây là thời điểm thích hợp để "kích hoạt" các nỗ lực nhằm đem lại hòa bình cho Yemen. Thỏa thuận hòa bình ở miền nam tạo tiền đề thuận lợi để các phe phái nổi dậy khác ở Yemen tin tưởng hợp tác với chính phủ nhằm thiết lập một nền hòa bình, cứu Yemen thoát khỏi bờ vực sụp đổ bởi khủng hoảng kéo dài.