Ðòi hỏi cải cách

Làn sóng biểu tình thời gian gần đây đang cuốn Iraq vào cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội nghiêm trọng. Sức ép của người biểu tình cũng như hàng loạt rối ren nảy sinh buộc Thủ tướng Iraq A.Mahdi phải từ chức. Chính phủ Iraq đang đối mặt thách thức lớn trước những đòi hỏi cải cách sâu rộng và mối đe dọa an ninh, khủng bố vẫn rình rập.

Quốc hội Iraq đã thông qua đơn từ chức của Chính phủ do Thủ tướng A.Mahdi đứng đầu. Sau quyết định này, Chủ tịch Quốc hội Iraq sẽ đề nghị Tổng thống B.Xa-lê chỉ định một thủ tướng mới đứng ra thành lập chính phủ. Nguyện vọng của Thủ tướng A.Mahdi khi nộp đơn từ chức là ông muốn chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và Quốc hội cần tìm giải pháp phù hợp cho tình hình hiện nay.

Ðộng thái rút lui khỏi cương vị người đứng đầu chính phủ của ông A.Mahdi nhằm đáp ứng yêu sách của người biểu tình và đã được Ðại giáo chủ của người Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq A.Sistani "bật đèn xanh". Ông A.Sistani kêu gọi thay đổi ban lãnh đạo đất nước trong bối cảnh tình hình an ninh, trật tự xã hội diễn biến phức tạp bởi làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần qua. Trước khi từ chức, Thủ tướng A.Mahdi đã cách chức Tham mưu trưởng quân đội, người vừa được điều động để "khôi phục trật tự" ở Na-xi-ri-a, thành phố đang rơi vào hỗn loạn do làn sóng biểu tình ở miền nam. Biểu tình làm bùng phát bạo loạn ở Iraq khiến hơn 400 người chết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp dầu mỏ và gây thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế Iraq.

Làn sóng biểu tình ở Iraq bùng phát bắt nguồn từ những khó khăn của nền kinh tế nước này. Trải qua cuộc chiến kéo dài tám năm do Mỹ phát động nhằm lật đổ chế độ X.Hu-xê-in, tiếp đó lại bị cuốn vào cuộc nội chiến bởi sự hoành hành của tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), nền kinh tế Iraq kiệt quệ, hạ tầng bị tàn phá nặng nề. Việc hồi hương và giúp tái hòa nhập cho người dân vốn phải chạy nạn khỏi các cuộc xung đột cũng là "gánh nặng" đối với Chính phủ Iraq. Mặc dù chính quyền Baghdad tuyên bố giành thắng lợi trong cuộc chiến chống IS, song mối đe dọa từ tổ chức cực đoan này vẫn luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Iraq, đồng thời là thách thức an ninh lớn đối với chính phủ. Quân đội Iraq hằng ngày vẫn phải đối phó các vụ tiến công khủng bố thời "hậu IS". Bất chấp các chiến dịch quân sự chống khủng bố, những phần tử còn lại của IS vẫn đang lẩn trốn tại một số vùng gần biên giới của Iraq với Syria và Iran. Dù tình hình an ninh tại Iraq đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng nhiều nhóm cực đoan vẫn tìm cách trỗi dậy hoặc tập hợp lại tại khu vực nông thôn, hoang mạc và các khu vực hẻo lánh, đồng thời tiến hành các vụ tiến công nhằm vào dân thường và lực lượng an ninh.

Người dân Iraq đã bất mãn với cách xử lý yếu kém của chính quyền. Hàng chục nghìn người Iraq đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Baghdad và các tỉnh miền nam đòi chính quyền cải cách toàn diện, cải thiện dịch vụ công, tạo thêm việc làm và chấm dứt nạn tham nhũng. Các cuộc biểu tình đặt ra thách thức lớn chưa từng thấy đối với chính phủ sau khi Iraq tuyên bố giải phóng các vùng lãnh thổ nước này khỏi IS cách đây gần hai năm. Chính phủ Iraq đã ban hành sắc lệnh nhằm đáp ứng yêu sách của người biểu tình bao gồm nhiều chương trình cải cách trong những lĩnh vực như phân chia đất đai, nghĩa vụ quân sự và tăng phúc lợi cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ðể đối phó tình trạng thất nghiệp trầm trọng trong giới thanh niên (lên tới 25%), Chính phủ Iraq khẳng định sẽ tạo ra những nhóm thị trường liên kết rộng lớn và tăng mức hỗ trợ cho những người không có việc làm.

Động thái mới nhất từ Chính phủ Iraq có thể phần nào xoa dịu cơn giận của người biểu tình, song không phải là giải pháp hiệu quả và bền vững cho các vấn đề hiện nay. Những đáp ứng từ phía chính quyền chưa đủ để ngăn chặn làn sóng biểu tình. Sự lựa chọn đúng đắn lúc này là Iraq cần sớm tiến hành một cuộc đối thoại dân tộc. Trong đó, các lực lượng chính trị, các tầng lớp xã hội và người dân cùng hợp tác để tìm hướng đi phù hợp, đưa đất nước thoát khỏi bế tắc.