Bình luận quốc tế

Ðoàn kết vượt qua thách thức

Tại buổi lễ trực tuyến chuyển giao chức Chủ tịch Nhóm các nước đang phát triển (G77) và Trung Quốc năm 2021 từ Guy-a-na cho Ghi-nê mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét đã kêu gọi đoàn kết với các nước đang phát triển, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tới mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Ðại dịch đe dọa đẩy lùi những tiến bộ đã đạt được trong giảm nghèo, bất bình đẳng, làm suy yếu gắn kết xã hội. Bởi thế, hỗ trợ các nước nghèo là một trong những việc làm cần thiết để tránh cho "người nghèo" phải chịu thêm những tổn thương sâu hơn nữa.

Báo cáo Nguy cơ toàn cầu (GRPS) 2021 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố đã chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về con người và kinh tế. Nguy cơ suy yếu gắn kết xã hội do đại dịch và tình trạng mất việc làm cũng là một mối đe dọa trong dài hạn. "Cú sốc" kinh tế do đại dịch gây ra dự báo còn tiếp tục kéo dài trong năm 2021 khi dịch bệnh chưa được kiểm soát và những biến thể mới của Covid-19 xuất hiện với những nguy cơ khó lường. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB), dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới ở mức 4% trong năm 2021 khi việc tiêm chủng ngừa Covid-19 được thực hiện rộng rãi hơn. Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo triển vọng ngắn hạn "không chắc chắn" và các kết quả tăng trưởng khác nhau có thể xảy ra. WB coi khả năng bùng phát đại dịch với biến thể mới của Covid-19 là nguy cơ lớn nhất đối với sự ổn định phát triển kinh tế. Bởi thế, WB nhấn mạnh các ưu tiên chính sách ngắn hạn hàng đầu là kiểm soát sự lây lan của đại dịch, bảo đảm triển khai vắc-xin nhanh chóng và rộng rãi. Ðầu tư thích hợp với sự phục hồi kinh tế cũng được coi là một biến số quan trọng trong thể hiện sức mạnh phục hồi và khả năng giảm bất bình đẳng.

Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, các quốc gia cần tìm cách vượt ra ngoài khuôn khổ viện trợ trực tiếp và tái đầu tư để kích thích tăng trưởng. Tập trung vào các chính sách thúc đẩy đầu tư, bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh là nhân tố vô cùng quan trọng.

Phục hồi sau đại dịch được cho là cơ hội để thế giới thay đổi cách hành xử. Với chính sách thông minh và đầu tư đúng đắn, thế giới có thể hoạch định con đường mang lại sức khỏe cho mọi người, vực dậy các nền kinh tế. Ðể làm được điều này, các nước đang phát triển cần có nguồn lực cần thiết để đầu tư tạo việc làm, đưa giáo dục cùng hoạt động kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường, nhằm phát triển tiến bộ, xanh hơn và tốt hơn. Ðứng trước "ngưỡng cửa cơ hội" đó, Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước phát triển, các thể chế tài chính và các ngân hàng phát triển cần có sự ủng hộ quốc tế lớn hơn, theo đó giãn nợ cho tất cả những nước có nhu cầu để không nước nào phải chịu sức ép lựa chọn giữa cung cấp các dịch vụ cơ bản cho người dân với việc trả nợ. Cộng đồng quốc tế cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để tăng các nguồn tài chính sẵn có dành cho các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình.

Ðại dịch đã làm trầm trọng thêm rủi ro nợ của các quốc gia đang phát triển và cộng đồng toàn cầu đứng trước thách thức khi phải hành động quyết liệt để bảo đảm rằng, sự tích lũy nợ gần đây không kết thúc với một chuỗi các cuộc khủng hoảng nợ. Một số quốc gia thu nhập thấp đang phải đối mặt tình trạng nợ nần chồng chất và không có nguồn đầu tư vào chăm sóc sức khỏe. Trước triển vọng kinh tế toàn cầu khó đoán định và khoảng cách giàu - nghèo gia tăng giữa các nước, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) K.Gioóc-giê-va mới đây cho biết, thể chế tài chính này cần thêm nhiều nguồn tài chính để hỗ trợ các nước ngập trong nợ nần. Theo người đứng đầu IMF, Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) là công cụ giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn quỹ của tổ chức này. Việc thực hiện đợt phân bổ mới SDR sẽ cho phép thêm nhiều nguồn quỹ được huy động để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu hiện nay, đồng thời thúc đẩy các hành động tiến tới nền kinh tế số và xanh, một hướng phát triển tất yếu trong tương lai.

Sau khi rơi xuống những mức thấp nhất trong nhiều năm, tăng trưởng toàn cầu được kỳ vọng sẽ từng bước phục hồi trong năm 2021. Bằng "sự trỗi dậy" sau một trong những cuộc suy thoái sâu nhất, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ "hồi sinh". Tuy nhiên, hiện là thời điểm mà thế giới cần tăng cường đoàn kết hơn bao giờ hết để vượt qua thách thức, giúp làm dịu "vết sẹo dài" do Covid-19 gây ra, nhất là đối với những nước nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương.

HÀ ĐAN