"Nước cờ" gây tranh cãi

Hôm nay (17-9), Israel tiến hành lại cuộc bầu cử Quốc hội, sự kiện được coi là sẽ quyết định "vận mệnh chính trị" của Thủ tướng B.Netanyahu.

Ngay trước thềm bầu cử, ông B.Netanyahu đã đưa ra loạt cam kết gây tranh cãi với tham vọng sáp nhập Thung lũng Jordanie và mở rộng khu định cư Do thái ở bờ Tây. Tuy nhiên, những động thái mới nhằm thu hút mối quan tâm của cử tri của nhà lãnh đạo này hiện vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các nước A-rập trong khu vực, đồng thời là một thách thức không nhỏ đối với Chính phủ Israel sau bầu cử.

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ hai trong năm nay tại Israel sau cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, khi đảng Licut của Thủ tướng B.Netanyahu cùng các đảng cánh hữu và Do thái chính thống giành đa số ghế tại Quốc hội nhưng không thể thành lập được chính phủ liên minh do bất đồng về đạo luật nghĩa vụ quân sự đối với các thanh niên Do thái chính thống. Tình trạng bế tắc buộc ông B.Netanyahu đi tới quyết định giải tán Quốc hội và tổ chức cuộc bầu cử sớm này. Theo dự báo, ông Netanyahu và đảng cánh hữu Licut có nhiều khả năng sẽ tiếp tục giành chiến thắng sít sao trước đối thủ "nặng ký" là đảng trung dung Xanh-Trắng do cựu Tham mưu trưởng quân đội B.Gan-tơ đứng đầu.

Là một chính trị gia nhiều kinh nghiệm, một nhà lãnh đạo theo đường lối dân tộc chủ nghĩa, bảo thủ và cứng rắn, ông B.Netanyahu đã có nhiều "nước cờ" đầy tính toán nhằm có được sự ủng hộ của các lực lượng chính trị cũng như cử tri ủng hộ phe cánh hữu và cực hữu ở Israel. Ngay trước thềm bầu cử, Thủ tướng B.Netanyahu cam kết nếu giành thắng lợi, ông sẽ sáp nhập Thung lũng Jordanie, phần lãnh thổ chiếm một phần ba diện tích khu bờ Tây mà Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Ðông năm 1967. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dư luận, chính phủ của ông tiếp tục phê chuẩn một khu định cư mới ở khu bờ Tây, theo đó nhất trí biến khu định cư tạm thời Me-vút Y-e-ri-cô ở Thung lũng Jordanie thành một khu định cư chính thức của người Do thái. Tại cuộc họp chính phủ hằng tuần được triệu tập tại thung lũng Jordanie, Thủ tướng B.Netanyahu cũng thông báo ý định mở rộng các khu định cư ở bờ Tây, có sự phối hợp với Tổng thống Mỹ D.Trump.

Thủ tướng B.Netanyahu giành được sự ủng hộ của người đứng đầu Nhà trắng trong suốt thời gian qua. Trong cuộc điện đàm mới đây giữa Thủ tướng B.Netanyahu với Tổng thống Mỹ D.Trump về một hiệp ước phòng thủ chung nhằm gắn kết hơn nữa liên minh giữa hai nước, ông chủ Nhà trắng còn cho biết "mong chờ được tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này sau cuộc bầu cử ở Israel". Ðây được cho là nỗ lực phút chót của Tổng thống D.Trump nhằm thể hiện sự ủng hộ Thủ tướng B.Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử ở Israel. Trước cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, gần bốn tháng sau khi Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

Thực tế là, các động thái được Thủ tướng IsraelB.Netanyahu tung ra trước bầu cử đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận khu vực và quốc tế. Theo các nhà phân tích, kế hoạch của nhà lãnh đạo Israelvề mở rộng khu định cư và sáp nhập vùng lãnh thổ ở khu bờ Tây có thể làm tiêu tan bất kỳ hy vọng còn sót lại nào về một giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã ra tuyên bố "hoàn toàn bác bỏ" cam kết trước bầu cử của Thủ tướng Israelvề việc sáp nhập một phần khu Bờ tây mà Israelđang chiếm đóng của Palestine.

OIC nhấn mạnh, cam kết nguy hiểm này sẽ làm suy yếu các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một nền hòa bình lâu dài, đồng thời đẩy cả khu vực vào tình trạng bạo lực và bất ổn. Liên hợp quốc, Liên hiệp châu Âu (EU) và nhiều nước ở khu vực cũng lên án việc Israel tiếp tục "các chính sách gây hấn" chống người Palestine. Palestine cảnh báo sẽ cắt mọi quan hệ và liên lạc với Mỹ nếu Oa-sinh-tơn ủng hộ ý định của Thủ tướng Israelsáp nhập một khu vực chủ chốt của khu bờ Tây; đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế lên án "thái độ không tôn trọng luật pháp" của Israelvà hành động để ngăn chặn việc hiện thực hóa cam kết của ông B.Netanyahu.

Việc Thủ tướng B.Netanyahu đưa ra các cam kết bầu cử "chạm" vào một trong các vấn đề gai góc nhất của cuộc xung đột Israel- Palestine tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình Trung Ðông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đảng phái nào giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở Israelthì chính sách của Nhà nước Do thái đối với người Palestine dường như không thay đổi. Mở rộng khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine là một chính sách mà Israelvẫn áp dụng nhằm duy trì lợi ích của Nhà nước Do thái. Bởi thế, cho dù kết quả bầu cử ở Israelnhư thế nào thì các chính sách mà quốc gia này thực thi đối với Palestine hay một số vấn đề ở khu vực được cho là sẽ không có gì đột biến, vẫn là thách thức lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông.