Bình luận quốc tế

Nỗ lực vì tương lai xanh

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét bày tỏ lo ngại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể bị gạt ra bên lề bởi thế giới phải dồn sức chống đại dịch. Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cảnh báo, các cường quốc trên thế giới cần hợp tác với nhau và thay đổi nền kinh tế vì một tương lai xanh nếu không nhân loại sẽ “diệt vong”. Chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường cũng là chủ đề chính tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an LHQ vừa qua. 

Trước khi thế giới bị dịch Covid-19 hoành hành, năm 2020 được cộng đồng quốc tế coi là năm bản lề để thúc đẩy các hành động nhằm ngăn chặn sự nóng lên của khí hậu trái đất, với các hội nghị cấp cao được lên kế hoạch nhằm đưa ra cảnh báo công khai về tương lai của hành tinh. Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Ni-giê, nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ trong tháng 9, cơ quan này đã họp đánh giá về tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường đối với các vấn đề nhân đạo, hòa bình và an ninh quốc tế. Thế giới ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ về thảm họa nhân đạo khi người dân sinh sống tại các khu vực xung đột phải hứng chịu “cú sốc kép” do tác động của xung đột và biến đổi khí hậu. 

Kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew (trụ sở tại Oa-sinh-tơn, Mỹ) công bố mới đây cho thấy, đa số người dân ở 14 quốc gia phát triển coi biến đổi khí hậu là một trong những mối đe dọa hàng đầu. Tại Mỹ, biến đổi khí hậu cũng được đề cập là mối đe dọa số 1. Đây cũng là vấn đề “nóng” được hai ứng cử viên tranh cử tổng thống đưa ra tranh luận nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri Mỹ, trong bối cảnh các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang lan rộng ở khu vực Bờ Tây nước Mỹ. Trong khi đó, giám đốc điều hành của hơn 150 công ty trên toàn cầu đã lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu đặt mục tiêu cao hơn đối với việc giảm lượng khí thải. Giới doanh nghiệp hối thúc lãnh đạo châu Âu tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu và bảo đảm sự phục hồi kinh tế bền vững bằng cách cắt giảm ít nhất 55% khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính vào cuối thập kỷ này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) đang thúc đẩy “Thỏa thuận Xanh” đầy tham vọng, đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải (chỉ tiêu khí thải bằng 0) vào năm 2050. Thỏa thuận này đòi hỏi 27 nước thành viên EU phải cân bằng lượng khí thải gây ô nhiễm và loại bỏ khí gây hiệu ứng nhà kính trong vòng 30 năm tới, là động lực cho cuộc cách mạng kinh tế giúp “lục địa già” phát triển bền vững và đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu.

Trách nhiệm lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu được cho là thuộc các nước có lượng khí phát thải lớn. Thủ tướng Đức A.Méc-ken và các nhà hoạt động môi trường cho rằng, các nước công nghiệp hóa cần có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc giải quyết các vấn đề khí hậu. Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Pa-ri, Chính phủ Đức đặt mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 40% vào năm 2020 so mức khí thải năm 1990 và ít nhất 55% vào năm 2030. Niu Di-lân trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành quy định báo cáo bắt buộc về rủi ro khí hậu, áp dụng cho các ngân hàng, tổ chức quản lý tài sản và công ty bảo hiểm. Động thái tích cực của Chính phủ Niu Di-lân đã nhận được sự ủng hộ từ các nhóm kinh doanh tài chính và các nhà hoạt động vì môi trường. Việc hướng tới chính sách yêu cầu công bố rủi ro khí hậu bắt buộc và cả chiến lược đầu tư để quản lý rủi ro hệ thống mà biến đổi khí hậu gây ra là đòi hỏi cấp bách mà các chính phủ cần ưu tiên giải quyết. Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Nhật Bản và Liên hiệp châu Âu (EU) đang nỗ lực hướng tới mục tiêu thiết lập một số hình thức báo cáo bắt buộc về rủi ro khí hậu cho các công ty nội địa.

Suy thoái môi trường đã ở mức “báo động đỏ” và việc thực thi Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu gặp nhiều khó khăn do nghi ngờ về những cam kết của các nước phát thải nhiều các-bon nhất. Trước lo ngại về việc Thỏa thuận Pa-ri chưa đủ để ngăn chặn thảm họa môi trường, việc đầu tư lớn cho năng lượng tái tạo, cũng như đưa ra cam kết không phát thải các-bon vào năm 2050 là hành động cấp bách. Chương trình Môi trường LHQ kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp bảo tồn, khôi phục và sử dụng hệ sinh thái một cách bền vững. Các nước thành viên Hội đồng Bảo an nhất trí cho rằng cần lồng ghép tác động của biến đổi khí hậu vào các giải pháp hòa bình, an ninh, nhân đạo vì một “tương lai xanh” cho thế giới.