Nỗ lực giảm căng thẳng

Các nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Liên đoàn A-rập (AL), Liên hiệp châu Âu (EU) đồng loạt chỉ trích tuyên bố của Mỹ ủng hộ Israel xây dựng các khu định cư Do thái ở vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Ðộng thái này "chạm" vào một trong những vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột Israel - Palestine, gây lo ngại "thêm dầu vào lửa", phá hủy nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Ðông.

Tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pompeo về ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do thái ở khu Bờ Tây đã đi ngược chính sách của Washington trong suốt 40 năm qua. Theo đó, bác bỏ quan điểm pháp lý của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 1978, vốn cho rằng các khu định cư Do thái mà Israel mở rộng xây dựng trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine là "không phù hợp luật pháp quốc tế". Phát biểu gây tranh cãi của ông M.Pompeo cũng vấp phải sự phản đối của chính các ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ.

Cựu Phó Tổng thống J.Biden và Thượng nghị sĩ E.Warren đều cho rằng, hành động này gây tổn hại cho sự nghiệp ngoại giao của Mỹ, khiến hy vọng về giải pháp "hai nhà nước" đối với Israel và Palestine ngày càng trở nên xa vời và làm gia tăng căng thẳng ở Trung Ðông. Thượng nghị sĩ B.Sanders cho rằng, tuyên bố của chính quyền Tổng thống D.Trump một lần nữa khiến Mỹ bị cô lập, đồng thời làm suy yếu chính sách ngoại giao của nước này.

Palestine cho rằng, Tổng thống D.Trump đã tự loại Mỹ khỏi tiến trình hòa bình Trung Ðông, vốn được các chính quyền trước đây chú trọng theo đuổi. Thực tế, chính sách mở rộng các khu định cư Do thái của Israel đã gây cản trở nghiêm trọng tới tiến trình hòa bình Trung Ðông, làm đình trệ các cuộc đàm phán với Palestine và đe dọa giải pháp "hai nhà nước". Trong nhiều thập niên qua, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, Israel đã xây dựng hơn 120 khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine. Chính quyền Tel Aviv mới đây thông qua kế hoạch xây dựng hơn 2.000 ngôi nhà mới ở những khu định cư tại Bờ Tây. Những động thái như vậy đã dựng lên những rào cản lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Ðông, đẩy các cuộc đàm phán Israel - Palestine lâm vào bế tắc.

Lo ngại những tuyên bố gây tranh cãi liên quan vấn đề khu định cư Do thái thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn âm ỉ giữa Israel và Palestine, cộng đồng quốc tế kêu gọi các nỗ lực giảm căng thẳng ở khu vực. 10 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra thông cáo chung, trong đó khẳng định việc Israel mở rộng khu tái định cư tại khu Bờ Tây là bất hợp pháp và kêu gọi Israel ngừng ngay các hoạt động như vậy, cũng như tuân thủ các nghị quyết của Liên hợp quốc. AL lên kế hoạch họp khẩn để thảo luận về diễn biến mới này. EU ra thông báo khẳng định lại lập trường lâu nay rằng, mọi hoạt động xây dựng các khu định cư trên vùng đất Israel chiếm đóng là bất hợp pháp và làm suy yếu giải pháp "hai nhà nước" cũng như triển vọng về một nền hòa bình lâu dài tại Trung Ðông.

Các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump nhằm ủng hộ đồng minh Israel trong các vấn đề ở Jerusalem, khu Bờ Tây đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Israel và các nước A-rập. Tổng Thư ký AL A.Gheit cho rằng, quan điểm của chính quyền Mỹ liên quan cuộc xung đột Israel - Palestine trong hai năm qua không mang lại bất kỳ nền hòa bình nào cho khu vực, mà lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ giữa Israel với các nước A-rập. Quan điểm của chính quyền Mỹ hiện nay đi ngược sáng kiến hòa bình A-rập, theo đó các nước A-rập ủng hộ giải pháp "hai nhà nước" trên cơ sở đường biên giới năm 1967.

Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kéo dài nhiều thập niên qua, với những bất đồng khó hóa giải, cho nên bất cứ một động thái nào làm leo thang căng thẳng đều có thể kích hoạt "thùng thuốc súng" ở khu vực. Tiến trình hòa bình Trung Ðông chỉ có thể được thúc đẩy thông qua đối thoại, trên cơ sở giải pháp "hai nhà nước", như mục tiêu cộng đồng quốc tế theo đuổi và khát vọng hòa bình của người Palestine.