Nỗ lực được hoan nghênh

Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ngày 15-1 vừa qua đích thân cùng Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai siêu cường kinh tế. Giới doanh nghiệp cùng chung nhận định, thỏa thuận nêu trên giúp giảm bớt quy mô xung đột thương mại giữa hai nước sau gần hai năm căng thẳng.

Tổng thống Mỹ Ð.Trăm ca ngợi, thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa ký với phía Trung Quốc, là “bước tiến quan trọng với tương lai” của thương mại công bằng và giúp “sửa chữa sai lầm của quá khứ”. Theo thỏa thuận, Bắc Kinh cam kết mua lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Mỹ trong hai năm tới; đổi lại Oa-sinh-tơn không áp thuế với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Phản ứng tích cực đầu tiên ngay sau khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại ban đầu đã thể hiện rõ trên các sàn giao dịch chứng khoán. Các chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đạt mốc kỷ lục mới trong lịch sử ngay trong phiên giao dịch ngày 15-1, chỉ số chứng khoán ở các châu lục cũng đều tăng điểm. Lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, dù chưa rõ có mang lại triển vọng thật sự với nền kinh tế thế giới hay không, song thỏa thuận nêu trên là một thông tin tích cực với các doanh nghiệp, giúp họ có được sự lạc quan trong đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ðặt mục tiêu tiếp tục đạt được thỏa thuận mới với Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra tháng 11-2020 tới, chính quyền Tổng thống Ð.Trăm cho biết, thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 đã được khởi động, chỉ vài giờ sau khi thỏa thuận ban đầu được ký. Lãnh đạo Nhà trắng hy vọng không cần tới một thỏa thuận thương mại giai đoạn 3 và cho rằng, nếu Trung Quốc tuân thủ tốt các thỏa thuận thì điều đó sẽ báo hiệu một “chương mới” trong quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh.

Một loạt các động thái khác cũng cho thấy chính quyền Tổng thống Ð.Trăm nỗ lực giải quyết dứt điểm căng thẳng thương mại giữa hai nước. Chỉ hai ngày trước khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký, Bộ Tài chính Mỹ chính thức rút lại quyết định coi Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ”, điều được Oa-sinh-tơn đưa ra hồi tháng 8-2019. Bên cạnh đó, Mỹ cũng nhất trí với Trung Quốc khởi động lại các cuộc đàm phán song phương, định kỳ sáu tháng một lần, nhằm giải quyết bất đồng về kinh tế. Ðặc biệt, các cuộc thương thảo trong khuôn khổ Ðối thoại Kinh tế toàn diện Mỹ - Trung Quốc tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại giai đoạn 2.

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại ban đầu giữa Mỹ và Trung Quốc chưa thể ngay lập tức xua tan “những góc tối” trong quan hệ thương mại hai nước. Oa-sinh-tơn tuyên bố duy trì mức thuế áp đặt lên 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc tới chừng nào hai bên đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn tiếp theo. Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Nu-chin cảnh báo, Mỹ sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung tương xứng, nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận đã đạt được, trong đó có việc đáp ứng các mục tiêu mua hàng hóa của Mỹ.

Một số doanh nghiệp không tin tưởng vào khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 2, vì những vấn đề “gai góc” nhất trong tranh chấp thương mại vẫn chưa được giải quyết. Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF) nhấn mạnh, những vấn đề khó khăn nhất trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bị dồn lại cho giai đoạn tiếp theo, trong đó có các điều khoản liên quan quy định về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc. Hiện, chưa có cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để bảo đảm rằng hai bên sẽ giữ cam kết trong thời gian tới.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại, song thỏa thuận giai đoạn 1 vừa ký là cần thiết với Tổng thống Ð.Trăm khi bước vào năm bầu cử 2020. Thỏa thuận nêu trên giúp giảm bớt nguy cơ suy thoái kinh tế và thúc đẩy thị trường chứng khoán Mỹ, đem lại cho ông Ð.Trăm cơ hội giành được nhiều hơn sự ủng hộ của giới đầu tư và các nhà sản xuất. Trong khi đó, thỏa thuận cũng giúp Trung Quốc cải thiện triển vọng thương mại, giảm nhu cầu phải triển khai các gói kích thích kinh tế.

Việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đánh dấu một bước tạm dừng trong xung đột thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai siêu cường kinh tế thế giới. Những nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng, góp phần giảm thiệt hại cho cả hai bên và ngăn chặn rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu, luôn được hoan nghênh.