Nhượng bộ đúng lúc

Nga tuyên bố sẵn sàng "đóng băng" kho đầu đạn hạt nhân nếu Mỹ có động thái tương tự, nhằm gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược (START mới). Sự nhượng bộ của hai bên được hoan nghênh là đúng thời điểm. Song, văn kiện này có tránh được kịch bản "bị khai tử" như Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay không, còn phụ thuộc nỗ lực biến thiện chí thành hành động.

Trong tuyên bố mới nhất, đáp lại đề xuất của phía Mỹ liên quan việc gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược, còn gọi là START mới, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: Mát-xcơ-va đề xuất kéo dài thực thi hiệp ước thêm một năm và sẵn sàng cùng Oa-sinh-tơn đưa ra cam kết chính trị là tạm khoanh lại số đầu đạn hạt nhân của hai bên trong khoảng thời gian này. Nga nhấn mạnh thêm, chỉ có thể đạt thỏa thuận gia hạn START mới với điều kiện Mỹ không có thêm yêu cầu nào.

Ngay lập tức, Mỹ hoan nghênh Nga đồng ý phong tỏa kho đầu đạn hạt nhân. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Oa-sinh-tơn đánh giá cao thiện chí của Mát-xcơ-va nhằm đạt tiến triển trong vấn đề kiểm soát vũ khí chiến lược. Mỹ đề xuất sớm tổ chức cuộc đàm phán với Nga để hoàn tất thỏa thuận gia hạn Hiệp ước kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược, trong bối cảnh chỉ còn vài tháng nữa văn kiện này hết hiệu lực. Oa-sinh-tơn còn tự tin cho rằng, hai bên đẩy nhanh đàm phán và có thể đạt thỏa thuận trong vài tuần tới.

Những tuyên bố tích cực nêu trên của cả hai bên phần nào giải tỏa lo ngại bế tắc trong đàm phán Nga - Mỹ có thể khiến START mới chịu chung "số phận" với INF, sau khi Mỹ rút lại cam kết, kéo theo bước đi tương tự của Nga khiến INF đổ vỡ hồi năm ngoái. Việc Nga đồng ý với đề xuất của Mỹ đã đảo chiều lập trường cứng rắn của Mát-xcơ-va, bởi chỉ tuần trước, Nga còn khẳng định chỉ đồng ý gia hạn START mới mà không kèm điều kiện nào. Trong khi đó, Mỹ yêu cầu Nga "đóng băng" kho vũ khí hiện tại để khởi động đàm phán. Oa-sinh-tơn khăng khăng rằng, bất cứ thỏa thuận gia hạn START mới nào cũng cần bao gồm việc phong tỏa toàn bộ số đầu đạn hạt nhân.

START mới được Nga và Mỹ ký năm 2010, chính thức có hiệu lực từ ngày 5-2-2011. Theo quy định, sau bảy năm kể từ ngày hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên phải giảm mạnh kho vũ khí hạt nhân, chỉ duy trì tổng số vũ khí chiến lược không quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cùng khoảng 1.550 đầu đạn hạt nhân, 800 bệ phóng. Hiệp ước cũng quy định hai bên hằng năm phải trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các phương tiện.

Sau khi INF bị "khai tử", START mới được xem là cơ chế quốc tế duy nhất kiểm soát vũ khí tiến công chiến lược toàn cầu. Thực tế, cả Nga và Mỹ đều đánh giá START mới đã ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế cần nỗ lực tránh để mất một văn kiện quan trọng như vậy. Gần đây, trong bối cảnh START mới sắp hết hiệu lực mà các cuộc thương lượng về một thỏa thuận mới thay thế chưa được khởi động, cả Nga và Mỹ đều liên tiếp đưa ra các đề xuất nhằm khởi động đàm phán. Trong đó, phía Mỹ còn đề xuất một hiệp ước mới bao gồm cả sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, bất đồng chưa được giải tỏa, khiến Nga và Mỹ liên tiếp bác bỏ các đề xuất của nhau.

Ðộng thái nhượng bộ mới từ phía Nga và sự hưởng ứng tích cực của Mỹ có thể khai thông bế tắc, song không đồng nghĩa chắc chắn hai bên đạt thỏa thuận mới trong thời gian ngắn. Mát-xcơ-va chỉ đồng ý tạm đóng kho vũ khí trong một năm để dành thời gian đàm phán về hiệp ước mới, song với điều kiện Oa-sinh-tơn không có thêm đòi hỏi. Với Mỹ, Tổng thống Ð.Trăm ủng hộ và xúc tiến thương lượng để đạt thỏa thuận gia hạn START mới, nhằm ghi thêm điểm với cử tri trước thềm cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chưa có gì bảo đảm cuộc đàm phán đạt kết quả mong muốn, khi "xứ cờ hoa" có chính phủ mới vào năm tới.

Động thái nhượng bộ đúng thời điểm quan trọng được dư luận hoan nghênh. Song, ngay cả khi START mới được kéo dài thực thi thêm một năm, thì Nga và Mỹ vẫn cần duy trì thiện chí và nỗ lực để đạt thỏa thuận mới về kiểm soát vũ khí chiến lược.

Sơn Ninh