Bình luận quốc tế

Những tín hiệu xấu

Mới đây, nhiều định chế tài chính thế giới đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và năm tới, đồng thời cảnh báo những căng thẳng thương mại và tình trạng bất ổn kéo dài đang cản trở "sức khỏe" của nền kinh tế thế giới.

Một loạt các tín hiệu tiêu cực từ đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng như từ các nền kinh tế lớn đã cho thấy mối lo của các định chế tài chính này là có cơ sở.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu hằng quý, được công bố mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã bày tỏ quan ngại đối với "sức khỏe" kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc bế tắc, các chỉ số kinh tế vĩ mô của nhiều nền kinh tế lớn ảm đạm. Theo đó, định chế tài chính này đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và năm 2020 lần lượt xuống còn 3,2% và 3,5%, thấp hơn 0,1% so mức dự đoán trước đó.

Trong báo cáo quý, IMF vẫn ghi nhận sự tăng trưởng nhờ chỉ số kinh tế khả quan của kinh tế Mỹ, song cảnh báo nhu cầu yếu, một phần do căng thẳng thương mại và thuế, sẽ "cản bước" tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới vào những tháng còn lại của năm 2019. Do vậy, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm 2020 xuống còn 1,9%. Trong khi đó, IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc còn 6,2% trong năm 2019 và 6% trong năm 2020. Báo cáo của IMF đã gióng hồi chuông cảnh báo và cho rằng tình hình kinh tế thế giới có thể xấu hơn, đồng thời hạ dự báo tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn như: Nhật Bản, Ðức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh…

Ðịnh chế tài chính nêu trên đặc biệt quan ngại căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đang gây tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư, thương mại, làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm. Và, mối quan ngại này đang trở thành hiện thực bởi ngay sau khi IMF công bố báo cáo quý, một loạt tín hiệu xấu đã xuất hiện và cho thấy "mây đen" đã trở lại đe dọa triển vọng kinh tế thế giới. Ðầu tiên là việc các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất tại Thượng Hải, nhưng không đưa ra được tuyên bố nào khẳng định đã đạt được tiến triển.

Ngay sau khi vòng đàm phán này kết thúc, đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ D.Trump đã đăng tải bài viết trên mạng xã hội Twitter tuyên bố từ ngày 1-9 tới, Mỹ sẽ áp thuế bổ sung khoảng 10% đối với số hàng hóa còn lại trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc. Ðiều này đồng nghĩa với việc gần như tất cả số hàng hóa của Trung Quốc mà Mỹ nhập khẩu bị đánh thuế và đánh dấu một sự kết thúc đối với giai đoạn đình chiến tạm thời trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Sau tuyên bố của ông chủ Nhà trắng, Bắc Kinh ngày 2-8 đã lên tiếng cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa.

Như vậy, sau thời gian "đình chiến" ngắn ngủi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã căng thẳng trở lại và phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Không chỉ hai nền kinh tế đầu tàu thế giới đối mặt thách thức suy giảm tăng trưởng, các nền kinh tế khác ở châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… cũng ở tình trạng tương tự khi các số liệu thống kê gần đây cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các nền kinh tế nêu trên đều sụt giảm. Trong khi đó, tại châu Âu, các nền kinh tế chủ chốt của "lục địa già" cũng đón nhận các tín hiệu tiêu cực. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II năm 2019 của Liên hiệp châu Âu (EU) đã giảm xuống 0,2%, so mức 0,5% trong quý trước. Kinh tế Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) cũng giảm tốc trong quý II khi chỉ tăng trưởng 0,2%, thấp hơn mức 0,4% trong quý trước đó.

Ðiều đáng lo ngại là quý II vừa qua vẫn chưa phải là "thời điểm tồi tệ" của kinh tế thế giới. Nhà kinh tế trưởng của IMF G.Gô-pi-nát đánh giá tới thời điểm hiện tại, căng thẳng thương mại vẫn chưa gây ảnh hưởng đáng kể nào tới việc mất cân bằng tài khoản vãng lai toàn cầu, tuy nhiên, nó đang tác động tới tăng trưởng và đầu tư thế giới.

Các chuyên gia của IMF và các định chế kinh tế, tài chính quốc tế khác gần đây nhiều lần cảnh báo rằng ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với các mức thuế cao hơn gắn liền với giá cả tiêu dùng tăng, sẽ tác động tiêu cực tới hoạt động đầu tư và tăng trưởng toàn cầu, làm xói mòn lòng tin cũng như phá vỡ chuỗi cung ứng. Chính vì vậy, cùng với các biện pháp cải cách cơ cấu, kích thích tăng trưởng kinh tế, "việc cần làm ngay" để tránh cho kinh tế thế giới bước vào giai đoạn khủng hoảng mới là các nước lớn phải "hạ nhiệt" căng thẳng thương mại và cần tránh sử dụng các chính sách bóp méo thương mại. Ðồng thời, các quốc gia nên cùng nhau hướng tới việc khôi phục nỗ lực tự do hóa và tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên các điều luật đã phục vụ tốt cho kinh tế toàn cầu hàng chục năm qua.