Những ngã rẽ phía trước

Ngày cuối của chiến dịch vận động cử tri, Thủ tướng Anh B.Johnson đã tới cảng Grimsby, nơi được xem là "thành trì ủng hộ" của Công đảng đối lập. Ðiều này phản ánh quyết tâm giành chiến thắng của đảng Bảo thủ cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra hôm nay, vốn được gắn mác "cuộc bỏ phiếu Brexit". Song, kể cả khi ông Johnson tiếp tục được trao nhiệm vụ "cầm lái", thì trước mũi "con thuyền Brexit" vẫn có nhiều ngã rẽ.

Phát biểu trước những người ủng hộ hôm 9-12, tại một chợ cá ở cảng Grimsby, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh "không nên xem nhẹ bất kỳ điều gì". Ðây được xem như lời thừa nhận khó khăn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội, cho dù các cuộc khảo sát ý kiến cử tri cho tới sát ngày bỏ phiếu đều có chung nhận định về một "chiến thắng trong tầm tay" dành cho đảng Bảo thủ. Và cho dù, ông Johnson đã đến vận động và nhận được sự hưởng ứng ở đúng nơi được ví như "bức tường lửa", lâu nay vẫn che chắn và ủng hộ Công đảng.

Thủ tướng Johnson được đánh giá là khá mạo hiểm, khi thúc đẩy cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, với hy vọng mang về cho đảng Bảo thủ vị thế đa số cần thiết để bảo đảm thỏa thuận Brexit mà chính quyền London và Liên hiệp châu Âu (EU) đạt được hồi tháng 10 có thể vượt "cửa ải" Hạ viện Anh, thúc đẩy tiến trình "rời đi" của nước Anh tới đích đúng hạn chót mới nhất, vào ngày 31-1-2020. Kể từ cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017, đảng Bảo thủ dù dẫn đầu, song mất thế đa số cần thiết, qua đó mất luôn khả năng thực hiện ý nguyện của phần đông cử tri về việc đưa Anh rời EU, khi thỏa thuận Brexit do chính phủ đề xuất vẫn bị chặn trước ngưỡng cửa Hạ viện.

Trong khi đó, Công đảng đối lập coi cuộc tổng tuyển cử trước hạn lần này là thời cơ để một chính phủ do đảng này lãnh đạo được lập ra sau chín năm. Thủ lĩnh Công đảng J.Corbyn cam kết sẽ đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU và đưa vấn đề Anh rời "mái nhà chung EU" ra trưng cầu ý dân lần thứ hai. Ông Corbyn tự tin về khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử trước hạn, cho dù hiện tại sức ảnh hưởng của Công đảng không còn mạnh mẽ như trong cuộc tổng tuyển cử năm 2017. Thủ lĩnh Công đảng tuyên bố sẽ nỗ lực vận động tới phút chót, bởi nhiều cử tri còn chưa có quyết định.

Không chỉ liên quan cách thức Brexit, sự khác biệt trong chính sách tranh cử lần này nổi lên giữa một bên là đảng Bảo thủ ủng hộ giới doanh nghiệp và thị trường mở, với bên kia là Công đảng ưu tiên các vấn đề an sinh xã hội. Thủ tướng Johnson đã công bố kế hoạch hành động 100 ngày đầu tiên nếu đảng Bảo thủ cầm quyền, trong đó có một loạt đề xuất hấp dẫn, nổi bật là giảm thuế và siết chặt quy định nhập cư. Trong khi đó, Công đảng trung thành với lập trường tăng chi tiêu của chính phủ, qua thông điệp gửi tới cử tri là sẽ "bỏ tiền vào túi bạn" và "đưa quyền lực vào tay bạn". Tuy nhiên, riêng trong vấn đề Brexit, cả hai chính đảng đều trong tình thế không thuận lợi, khi Thủ tướng Johnson vẫn đối mặt sự nghi ngại của công chúng về con đường Brexit, thủ lĩnh J.Corbyn cũng chịu nhiều chỉ trích bởi sự thiếu thống nhất, thậm chí là quan điểm bài Brexit trong Công đảng.

Hầu hết các cuộc thăm dò ý kiến cử tri Anh trước ngày 12-12 đều đưa ra kết quả có lợi cho Thủ tướng Johnson, khi đảng Bảo thủ cầm quyền dẫn trước Công đảng với một khoảng cách đủ an toàn. Song, thực tế các kỳ bầu cử tại Anh cho thấy, không phải lúc nào dự kiến kết quả cũng sát thực. Ðơn cử, cuộc tổng tuyển cử năm 2017 đưa tới kết quả Quốc hội nước Anh rơi vào tình trạng "treo", khi đảng Bảo thủ không giành chiến thắng trọn vẹn do không hội đủ thế đa số tuyệt đối.

Càng gần ngày bầu cử, dự báo kịch bản nêu trên lặp lại càng được nhắc tới nhiều hơn. Với khả năng nước Anh tiếp tục đối mặt tình trạng "Quốc hội treo", tiến trình Brexit sẽ chẳng biết khi nào mới thoát ra khỏi "mớ bòng bong" hiện tại. Trái lại, với kịch bản sáng hơn, nếu đảng Bảo thủ giành đủ đa số ghế mong đợi, bảo đảm thỏa thuận Brexit được Hạ viện thông qua và "quốc đảo sương mù" có thể rời EU đúng hẹn ngày 31-1-2020, thì "cuộc ly hôn" của London cũng chưa chắc chắn kết thúc một cách dễ dàng. Là bởi, khi đó nước Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển đổi, ít nhất cần đạt được một thỏa thuận thương mại mới với EU để tránh "Brexit cứng" vào cuối năm 2020, trong khi thời gian để đàm phán và thông qua một thỏa thuận như vậy không thể là vài tháng.

Lợi thế nghiêng về Thủ tướng B.Johnson và cam kết "Brexit bằng mọi giá" của ông. Song, tiến trình "rời đi" của nước Anh vẫn đứng trước nhiều lựa chọn, không chỉ là có hay không có thỏa thuận, mà còn là cách thức "chia tay", tiếp tục đặt ra nhiều thách thức, bất chấp cuộc bầu cử hôm nay cho kết quả như thế nào.