Nhìn lại châu Á năm 2013

NDO -

NDĐT - Trong toàn cảnh thế giới năm 2013, châu Á vẫn có những điểm nhấn không thể lướt qua. Kinh tế tuy có suy giảm nhưng vẫn dẫn đầu thế giới; an ninh đối ngoại gam màu tối, sáng đan xen; lòng tin chiến lược được tăng cường đối thoại đang rộng mở, tuy buồn vui lẫn lộn nhưng người ta vẫn kỳ vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nhìn lại châu Á năm 2013

Kinh tế vẫn là điểm sáng

Theo thống kê năm 2013, kinh tế các nước châu Á chỉ đạt mức tăng trưởng 6,0% so với dự báo trước đó là 6,6% và năm 2014 cũng sẽ giảm từ 6,7% xuống còn 6,2%. ADB cho rằng, tuy tốc độ tăng trưởng nhìn chung có sụt giảm nhưng vẫn là khu vực dẫn đầu thế giới.

Tại khu vực có hai nền kinh tế phát triển như: Sri Lanka và Philippines tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ với 6,6% và 7,3%, riêng Philippines còn bị cơn bão Haiyan tàn phá. Khu vực kinh tế ASEAN về cơ bản là phục hồi và tăng tưởng cao, do đã tạo ra môi trường kinh tế và đầu tư lành mạnh. Đây cũng là động lực thúc đẩy kinh tế các nước khu vực lạc quan hơn, thể hiện rõ nét nhất là kinh tế Indonesia.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất khu vực, tuy có sụt giảm nhưng vẫn giữ mức tăng cao nhất thế giới (Quý III đạt 7,7% và cả năm có thể đạt mức 7,5% – 7,8%, nhưng năm 2014 sẽ chỉ còn 7,2%. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và không ổn định thì mức tăng trưởng của Trung Quốc vẫn được coi là “ngoạn mục”.

Nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là Nhật Bản, tuy chưa phục hồi so với trước suy thoái nhưng cũng có những bước tiến mới (2,5%) kể từ chính sách kinh tế được gọi là Abenomics phát huy hiệu quả; Ấn Độ cũng bị giảm sút từ 6% xuống còn 5,8% trong năm 2013 và có thể cả năm 2014.

Kinh tế khu vực Trung Á tăng trưởng giảm xuống mức 5,4% trong năm 2013, do kinh tế Kazactan, Gruzia yếu kém, nhưng có thể phục hồi và đạt mức 6,0% vào năm 2014. Kinh tế khu vực Nam Á, cũng chỉ đạt 4,7% trong năm 2013 và 5,5% năm 2014. Khu vực Đông Á trong cả năm nay và năm tới cũng giảm từ 7,1% xuống còn 6,6%. Đông Nam Á sẽ đạt 4,9% trong năm 2013 và 5,3% vào năm 2014. Nhìn chung, theo ADB các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á bao gồm 45 nước và vùng lãnh thổ đã đạt mức tăng trưởng 6,6% năm 2013 và 6,7% vào năm 2014. Sự sụt giảm này là do nhu cầu từ các nước công nghiệp chủ chốt suy giảm đáng kể và tốc độ tăng trưởng chậm lại ở hai nền kinh tế đầu tàu khu vực là Trung Quốc và Ân Độ.

An ninh đan xen gam mầu sáng-tối

Một trong những quan hệ đối ngoại gây “ấn tượng” tại châu Á được dư luận quan tâm, đó là tam giác quan hệ Ấn – Trung - Nga. Giới nghiên cứu cho rằng, điểm nổi bật là không khí an ninh đối ngoại hòa dịu dường như đã bao trùm mối quan hệ ba bên. Khi thỏa thuận Ấn-Trung về biên giới nhằm tránh nguy cơ đụng độ; “kiềm chế tối đa” trong vùng biên giới tranh chấp; và xem xét thiết lập đường dây nóng giữa giới chức quân sự hai bên.

Quan hệ Nga-Trung với 21 thỏa thuận được ký kết, trong đó có nhiều hiệp định liên quan đến an ninh, quốc phòng. Nhìn chung, mối quan hệ tay ba Ấn-Trung-Nga ngày càng trở nên tốt đẹp hơn khi cả Nga và Ấn Độ đều cố gắng cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc thông qua gắn kết những lợi ích an ninh với mục tiêu thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại.

Giới phân tích quốc tế và dư luận cho rằng, tam giác quan hệ Ấn-Trung-Nga “ấm” dần lên có tác động quan trọng, giúp thúc đẩy xu hướng hòa dịu, hòa giải giữa các nước lớn trong quan hệ với nhau và góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Ngoài ra cần phải kể đến là những bất ổn bùng phát ở một số nước như ở Myanmar, Pakistan, Thái-lan… nhưng đã sớm giải quyết ổn thỏa và vấn đề tranh chấp giữa Thái-lan –Campuchia về ngôi đền cổ cũng được hóa giải bằng phán quyết của tòa án quốc tế.

Tại Đông Bắc Á, sau những tháng đầu năm 2013, khi “điểm nóng” Trên bán đảo Triều Tiên hạ nhiệt thì vấn đề Biển Đông và Hoa Đông lại “dậy sóng”. Nhất là mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian gần đây.

Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” trên biển Hoa Đông (ECSADIZ) chồng lấn lên chủ quyền của cả hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến không chỉ hai nước phản đối quyết liệt, thế giới cũng tỏ ra quan ngại sâu sắc.

Tuy nhiên, trước những phản ứng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và dư luận quốc tế, Trung Quốc chỉ đưa ra tuyên bố: “Trung Quốc có khả năng quản lý và kiểm soát hiệu quả những vùng không phận liên quan” và sẽ ứng xử thích hợp với từng trường hợp cụ thể.

Ngay trong khi mâu thuẫn vẫn còn gia tăng tại biển Hoa Đông thì ngày 26-11, các nhóm công tác của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn bắt đầu vòng đàm phán thứ 3 tại Tokyo (Nhật Bản), nhằm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa 3 bên.

Lòng tin tăng cường, đối thoại rộng mở

“Lòng tin chiến lược” do Việt Nam đề xuất không chỉ có ý nghĩa tại Diễn đàn Shari-La 12, mà nó có sức lan tỏa ra khỏi khu vực và trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong quan hệ quốc tế song phương cũng như đa phương trong năm 2013.

Nhiều nước qua đối thoại thừa nhận rằng, nếu không xây dựng được “lòng tin chiến lược” thì không thể giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề nảy sinh. Trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn, rộng hơn, người ta không thể loại bỏ đối tác hoặc đối thủ của mình một cách tuyệt đối, hoặc thuần túy bằng bạo lực.

Giới phân tích quốc tế đánh giá “Việt Nam đã chia sẻ tầm nhìn giải quyết thách thức địa chính trị trong khu vực”. Khái niệm “lòng tin chiến lược” đã thẩm thấu trong các mối quan hệ cả đối nội và đối ngoại. Từ giải quyết mâu thuẫn phe phái ở Mianma, Thái Lan đến quan hệ liên Triều, Trung-Nhật, Indonesia-Australia, nhất là ADMM+ tại Brunei đã đưa lại hiệu quả rất tích cực.

Chỉ riêng Việt Nam trong năm 2013 đã thiết lập kênh đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng với 5 nước: Australia, Pháp, Malaysia, Indonesia, Brunei và đã tiến hành 10 phiên đối thoại. Qua đối thoại quốc phòng với các nước đã tăng cường hiểu biết lẫn nhau, và đã đạt được những đồng thuận trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Như vậy, trong bối cảnh kinh tế, an ninh toàn cầu nhìn chung “ảm đạm” thì châu Á lại nổi lên như một điểm sáng nhất của thế giới năm 2013, mặc dù vẫn đan xen các gam mầu sáng-tối, nhưng theo các nhà dự báo thì châu Á vẫn sẽ là đầu tàu của nền kinh tế trong năm 2014 và những hứa hẹn về an ninh có thể ổn định hơn.