Nhiều rủi ro

Kế hoạch Lầu năm góc vừa công bố về rút đáng kể lực lượng Mỹ ở hai chiến trường Áp-ga-ni-xtan và I-rắc ngay lập tức gây tranh cãi, không chỉ nội bộ “xứ cờ hoa”, mà còn với các đồng minh và đối tác của Mỹ. Kế hoạch rời đi nhằm thực hiện cam kết của Tổng thống Đ.Trăm là đưa binh sĩ Mỹ về nhà, song rủi ro cũng được cảnh báo, với an ninh của cả Mỹ lẫn Áp-ga-ni-xtan và I-rắc.

Một trong những cam kết quan trọng mà Tổng thống Đ.Trăm tuyên bố khi nhậm chức gần bốn năm trước, đó là khép lại các “cuộc chiến bất tận” mà Mỹ tham gia ở nước ngoài. Theo ông Đ.Trăm, đây là các cuộc chiến tranh không cần thiết, việc duy trì lực lượng Mỹ ở nước ngoài không mang lại lợi ích cho người dân, trong khi lại đặt gánh nặng của hoạt động can thiệp lên vai người đóng thuế ở Mỹ. Trong gần bốn năm qua, lãnh đạo Nhà trắng nhiều lần nhắc lại chỉ trích các cuộc can dự dai dẳng của Mỹ tại nước ngoài, đồng thời chỉ thị nhanh chóng rút các binh sĩ Mỹ về nước.

Thực tế, Tổng thống Đ.Trăm đã có những quyết định táo bạo: Tại Xy-ri, quân đội Mỹ đã rút, chỉ để lại hơn 1.000 binh sĩ lực lượng đặc nhiệm. Tại I-rắc, quân số Mỹ được thu hẹp đáng kể, so với con số hơn 5.000 binh sĩ hồi đầu cuộc chiến. Mới nhất, tại Áp-ga-ni-xtan, Mỹ đã hoàn tất mục tiêu giai đoạn đầu thực hiện cam kết theo thỏa thuận lịch sử ký với lực lượng Ta-li-ban, chỉ trong 135 ngày tính đến đầu tháng 7 vừa qua, Mỹ đã đưa quân số đồn trú tại quốc gia Nam Á xuống còn khoảng 8.600 binh sĩ. Ước tính của Lầu năm góc, trong bốn năm qua, Mỹ cũng thực hiện cơ cấu lại lực lượng đồn trú ở nước ngoài, với khoảng 200.000 binh sĩ được rút đi hoặc điều chuyển khắp thế giới. Trong đó, khoảng 6.400 binh sĩ Mỹ được đưa ra khỏi Đức, cũng do tranh cãi liên quan gánh nặng đóng góp chi phí duy trì hoạt động quân sự.

Trong kế hoạch rút quân mà Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Mi-lơ vừa công bố, Lầu năm góc được lệnh đưa 2.000 binh sĩ Mỹ từ Áp-ga-ni-xtan và I-rắc về nước trước ngày 15-1-2021, tức là chỉ vài ngày trước khi chính quyền mới của Mỹ nhậm chức. Với mục tiêu này, số binh sĩ Mỹ đóng góp cho liên quân quốc tế tại Áp-ga-ni-xtan chỉ còn 2.500 người, mức thấp nhất trong gần 20 năm qua.

Theo lãnh đạo Lầu năm góc, kế hoạch mới nhất này phản ánh rõ nỗ lực của Tổng thống Đ.Trăm thực hiện cam kết đưa binh sĩ về nhà và “kết thúc một cách thành công” các cuộc can dự của Mỹ vốn hao người tốn của và kéo dài dai dẳng. Việc rút quân cũng cho thấy Mỹ đã đạt mục tiêu đánh bại các phần tử cực đoan và giúp lực lượng an ninh các nước đủ năng lực để gánh vác trách nhiệm chống khủng bố.

Tổng thống Đ.Trăm chỉ thị rút quân nhằm hoàn tất cam kết với người dân. Song, kế hoạch rời đi một cách chóng vánh và hạn chót hoàn tất lại gấp gáp đã làm dấy lên những nghi ngại. Thực tế tình hình an ninh tại các chiến trường cũng không hoàn toàn yên ổn như nhận định của Lầu năm góc. Giới nghị sĩ cấp cao của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ lo ngại kế hoạch rút quân mới nhất của Mỹ có thể làm suy yếu an ninh của các nước nơi lực lượng Mỹ rời đi và cả an ninh quốc gia của “xứ cờ hoa”.

Riêng trường hợp Áp-ga-ni-xtan, với số quân đồn trú Mỹ còn lại ít ỏi, trong bối cảnh an ninh vẫn bất ổn, bạo lực lại gia tăng, tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á vừa mới khởi động sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, kể cả sau khi Mỹ ký thỏa thuận với Ta-li-ban, với kỳ vọng rút quân đội nước ngoài có thể đổi lấy lệnh ngừng bắn toàn diện ở Áp-ga-ni-xtan, thì tình trạng bạo lực vẫn không giảm bớt, thậm chí còn có xu hướng tăng. Các phần tử cực đoan tại Áp-ga-ni-xtan có thể có “chiến thắng” mang tính tuyên truyền, tạo kẽ hở để tàn dư mạng lưới khủng bố An Kê-đa hay tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo trỗi dậy, sau những thất bại tại Xy-ri và I-rắc.

Các đồng minh cũng bày tỏ quan ngại về mục tiêu rời đi của Mỹ. Lãnh đạo NATO cảnh báo, việc Mỹ rút quân một cách vội vàng, vào thời điểm không thích hợp và thiếu sự phối hợp với các lực lượng đồng minh có thể gây nguy hiểm cho an ninh Áp-ga-ni-xtan, đe dọa đưa chiến trường này trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa khủng bố.

Rủi ro đã được chỉ ra với kế hoạch rút quân mới của chính quyền Mỹ. Vẫn chưa chắc chắn các mục tiêu có được thực hiện đúng hạn chót hay không. Song, hiện tại, kế hoạch của Lầu năm góc đã gây tranh cãi, thậm chí chia rẽ nội bộ giữa Mỹ với các đồng minh.