Nhiệm vụ cấp bách của WTO

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa tiến thêm một bước nữa trong việc lựa chọn tân Tổng giám đốc với công bố của Chủ tịch Hội đồng WTO về kết quả lựa chọn vòng một và lịch tham vấn vòng hai. Nhiệm vụ cấp bách của WTO hiện nay là phải nhanh chóng lấp đầy “khoảng trống quyền lực”, đối phó hiệu quả các thách thức và vực lại uy tín của tổ chức này. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, sẽ rất gian nan để đạt được sự đồng thuận về vị trí người lãnh đạo WTO.

Các nguồn tin báo chí phương Tây vừa cho biết, tại tham vấn vòng một để lựa chọn Tổng giám đốc WTO, trong số tám ứng cử viên, có năm người được lựa chọn vào vòng hai là các đại diện của Ni-giê-ri-a, Hàn Quốc, Kê-ni-a, A-rập Xê-út và Anh. Theo kế hoạch, vòng tham vấn thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 24-9 đến 6-10. Sau vòng hai, số ứng cử viên vào vòng cuối sẽ chỉ còn hai người. Mục tiêu cuối cùng của tiến trình tham vấn gồm ba vòng là nhằm bảo đảm quyết định đồng thuận của các thành viên WTO về bổ nhiệm tân Tổng giám đốc.

Quá trình lựa chọn tân Tổng giám đốc WTO diễn ra từ ngày 14-5, khi cựu Tổng giám đốc R.A-dê-vê-đô thông báo sẽ từ chức trước một năm so với thời hạn nhiệm kỳ. Sau đó, ông đã rời nhiệm sở ngày 31-8 vừa qua. Dự kiến trong tháng 11 tới, các thành viên WTO sẽ hoàn thành ba vòng tham vấn để quyết định lựa chọn tân Tổng giám đốc trên cơ sở đồng thuận. Giới phân tích cho rằng, việc chờ đợi quá lâu để có người kế nhiệm chức Tổng giám đốc là một khó khăn lớn với WTO trong bối cảnh cơ quan đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng. Gần đây, hầu hết các thành viên quan trọng trong WTO như Trung Quốc, Nga, Ô-xtrây-li-a, các nước thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) đều đã lên tiếng kêu gọi cải cách WTO để tổ chức này có thể hoàn thành sứ mệnh dẫn dắt thương mại toàn cầu trong bối cảnh mới. Trong khi đó, Mỹ đã chỉ trích cơ quan giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, đồng thời cảnh báo sẽ rời khỏi tổ chức này.  

Do vậy, bất kỳ nhà lãnh đạo tương lai nào của WTO đều đứng trước nhiệm vụ khó khăn dẫn dắt tổ chức đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó có các cuộc đàm phán thương mại đình trệ và nỗ lực làm giảm căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc các nước có quan điểm khác nhau về WTO, nhất là lập trường cứng rắn của Mỹ, có thể sẽ gây cản trở đến tiến trình chọn người đứng đầu tổ chức này. Theo các nhà phân tích, việc Tổng giám đốc WTO được lựa chọn thông qua sự đồng thuận nên quan điểm cứng rắn của Mỹ sẽ khiến việc bầu cử trở nên phức tạp hơn. 

Bên cạnh đó, WTO nói chung và người đứng đầu tổ chức này nói riêng, phải có chính sách phù hợp hỗ trợ các quốc gia thành viên vượt qua cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra. Những tháng gần đây, đại dịch Covid-19 đã “phủ bóng đen” lên thương mại toàn cầu. WTO cho biết, thước đo thương mại hàng hóa của tổ chức này đã chạm mức thấp kỷ lục, dừng ở mức 84,5 điểm; giảm 18,6 điểm so với cùng kỳ năm 2019. Điều này cho thấy, thương mại hàng hóa toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong quý II vừa qua. Các chỉ số bổ sung chỉ ra thương mại và sản xuất toàn cầu sẽ phần nào hồi phục trong quý III này, nhưng sự phục hồi này theo WTO dự báo nhiều khả năng sẽ là một biểu đồ hồi phục hình chữ L (phục hồi chậm), thay vì hình chữ V (phục hồi nhanh) như mong đợi.

Trong bối cảnh WTO đứng trước nhiều thử thách, trọng trách lớn, việc lựa chọn một tân Tổng giám đốc có thể “chiều lòng” tất cả các bên là không đơn giản. Dù vậy, nhiệm vụ cấp bách của WTO là phải sớm lấp đầy “khoảng trống quyền lực” trong ban lãnh đạo. Đồng thời, nhanh chóng cải cách để tăng khả năng ứng phó của WTO với các thách thức chưa từng thấy. Giới phân tích cho rằng, để tăng thêm uy tín, trong thời gian tới, WTO cần bảo đảm duy trì dòng chảy thương mại trong khủng hoảng; thể hiện được vai trò trong các cuộc đối thoại và giải quyết tranh chấp theo một cơ chế đa phương; tăng khả năng ứng phó với thách thức gay gắt hiện nay.