Nguy cơ tiềm ẩn

Tổng thống Mỹ D.Trump hết lời ca ngợi chiến công của Lầu năm góc trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) mới đây. Tuy nhiên, Mỹ chưa thể “say men chiến thắng” khi vẫn tồn tại những nguy cơ khó lường, trong bối cảnh Washington tiếp tục chia rẽ và mâu thuẫn với các nước châu Âu. Các nhóm thánh chiến vẫn là mối đe dọa với liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu.

Tổng thống Mỹ D.Trump đã có bài phát biểu tại Nhà trắng, trong đó ông xác nhận thủ lĩnh IS A.Baghdadi bị tiêu diệt trong cuộc đột kích của quân đội Mỹ vào khu vực tây bắc Syria. Người đứng đầu Nhà trắng đã mô tả chi tiết chiến công của lực lượng đặc nhiệm Mỹ, thậm chí nhấn mạnh đó là "một đêm tuyệt vời cho nước Mỹ và thế giới". Ông Trăm cảm ơn Nga đã "mở cửa không phận" giúp Mỹ tiến hành cuộc đột kích bất ngờ, đồng thời đánh giá cao lực lượng người Kurd ở Syria cung cấp thông tin giúp tiêu diệt thủ lĩnh IS.

Mỹ coi sự kiện trên là thành công lớn nhất của quân đội nước này kể từ chiến dịch tiến công tiêu diệt trùm khủng bố O.bin Laden, dưới thời chính quyền của người tiền nhiệm B.Obama. Ðây cũng được coi là sự kiện giúp Tổng thống D.Trump ghi dấu ấn nhiệm kỳ. Với kết quả này, ông D.Trump có thể xoa dịu sự chỉ trích nội bộ chính quyền Mỹ về kế hoạch rút quân khỏi miền bắc Syria. Trong bối cảnh Nga đang giành lợi thế và gần như "một mình một chợ" trong việc thực hiện chiến lược mở rộng vai trò và ảnh hưởng ở Trung Ðông, việc Mỹ tuyên bố giành kết quả trong chiến dịch chống IS đã giúp Washington lấy lại phần nào vị thế đang dần bị mờ nhạt trước Moscow.

Sau quyết định đường đột vấp phải không ít chỉ trích từ cả trong nước lẫn từ các đồng minh về việc rút quân khỏi miền bắc Syria, Tổng thống D.Trump dường như đã có những động thái nhằm "sửa sai", qua việc đưa một số binh sĩ từ Iraq trở lại đông bắc Syria để tiếp tục chiến dịch chống IS. Mỹ muốn khẳng định với các đồng minh về việc tiếp tục vai trò tiên phong trong cuộc chiến này. Cả lực lượng người Kurd ở Syria và cả quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đều tuyên bố đã phối hợp tốt với Mỹ trong chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, nước này và các đối tác Mỹ đã chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm trước khi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS được thực hiện. Trong khi đó, Chỉ huy nhóm vũ trang Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo cũng cho biết đã cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ.

Các đồng minh châu Âu của Mỹ phản ứng thận trọng trước tuyên bố về "chiến công" của Lầu năm góc trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Pháp E.Macron cho rằng, việc tiêu diệt thủ lĩnh IS cũng chỉ là một bước tiến và cuộc chiến nhằm quét sạch tổ chức này vẫn còn tiếp diễn. Pháp khẳng định tiếp tục sát cánh cùng liên minh quốc tế trong nhiệm vụ bảo đảm IS bị đánh bại hoàn toàn. Paris kêu gọi tăng cường cảnh giác trước khả năng IS tiến hành các cuộc tiến công trả đũa. Thủ tướng Anh B.Johnson cho rằng, cuộc chiến chống IS sẽ chưa thể đến hồi kết. Thủ tướng Phần Lan A.Rinne nhận định, việc tiêu diệt A.Baghdadi có thể đẩy IS vào tình thế khó khăn hơn, nhưng sẽ không thể làm tê liệt hoạt động của tổ chức này. Cựu Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ J.Clapper còn cảnh báo, Mỹ chưa thể dừng lo lắng về IS, bởi tổ chức này đã có thủ lĩnh thay thế.

Mặc dù các đồng minh trong khối NATO cũng như ở châu Âu tiếp tục tuyên bố sát cánh cùng Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, song thực tế giữa Mỹ và đồng minh còn tồn tại chia rẽ. Tổng thống D.Trump không ít lần chỉ trích việc các nước châu Âu không chịu tiếp nhận lại những phần tử IS từng tham chiến tại Syria. Ông cho rằng, đây là hiểm họa và nguy cơ an ninh đối với các nước phương Tây. Ðáp lại, châu Âu chỉ trích quyết định của Tổng thống D.Trump về việc rút quân đội Mỹ khỏi miền bắc Syria sẽ làm suy yếu những nỗ lực chống IS tại thực địa.

Trong khi đó, Mỹ dường như chưa thoát khỏi thế bị "sa lầy" trên các chiến trường. Theo thống kê, trong giai đoạn 2001-2019, cuộc chiến chống khủng bố đã "ngốn" của Mỹ 5.900 tỷ USD, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài. Song, thực tế, cuộc chiến này chưa thể đến hồi kết, thậm chí số phần tử khủng bố lại gia tăng.

Không phủ nhận những kết quả mà Mỹ và các đồng minh giành được trên mặt trận chống khủng bố, nhưng rõ ràng cuộc chiến này còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trước mắt là chặng đường mới không ít gian nan, khi các tổ chức khủng bố biến chuyển, với những phương thức hoạt động "muôn hình vạn trạng" và rất khó lường.