Nguy cơ không thỏa thuận

Giữa tháng 10 tới là hạn chót Anh đặt ra, cũng là thời điểm Liên hiệp châu Âu (EU) xác định là cấp bách để hai bên đạt một thỏa thuận thương mại song phương thời hậu Brexit. Vòng đàm phán thứ tám diễn ra từ đầu tuần này vì thế được xem như "chặng cuối", song vẫn kết thúc trong bế tắc, khiến nguy cơ Brexit không thỏa thuận càng rõ nét hơn.

Vòng đàm phán thứ tám giữa Anh và EU, từ ngày 8 đến 10-9 vừa qua, được dư luận đặt kỳ vọng lớn, thậm chí được coi như vòng chốt để hai bên nhất trí được thỏa thuận về mối quan hệ Anh - EU hậu Brexit. Không chỉ bởi, trước thềm đàm phán, Thủ tướng Anh B.Giôn-xơn đặt hạn chót ngày 15-10 cho ra đời một thỏa thuận, nếu không, Luân Ðôn sẽ có "phương án khác". Mà với EU, vòng đàm phán mới nhất cũng gần như là cơ hội cuối cùng nhằm nhất trí với Anh ít nhất là một thỏa thuận khung để trình các nhà lãnh đạo EU xem xét thông qua trong kỳ hội nghị cấp cao giữa tháng 10 tới. Từ đó, có đủ thời gian để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu cùng quốc hội các nước thành viên EU phê chuẩn, giúp thỏa thuận kịp có hiệu lực từ năm 2021, ngay sau khi thời gian chuyển tiếp Brexit kết thúc cuối năm nay.

Tình thế cấp bách là vậy, song mục tiêu Brexit có thỏa thuận nêu trên vẫn không đạt được như kỳ vọng. Thông báo về "thất bại trên nhiều phương diện" của vòng đàm phán thứ tám, Trưởng đoàn đàm phán EU M.Bác-ni-ê nêu rõ, EU đã thể hiện sự linh hoạt trước yêu cầu của Anh về nhiều vấn đề, nổi bật là các bất đồng chủ chốt chung quanh hợp tác đánh bắt cá và vấn đề tư pháp tại Tòa án Công lý châu Âu. Song, theo EU, phía Anh đã không thể hiện thiện chí có đi có lại. Những khác biệt lớn và không thể nhượng bộ vẫn tồn tại trong những lĩnh vực và các nguyên tắc là mối quan tâm chủ chốt và lợi ích cốt lõi của EU. Ðó là lý do mà vòng đàm phán nước rút này tiếp tục bế tắc. 

Tuy nhiên, thất bại lần này đã có thể thấy trước, bởi khi vòng đàm phán còn chưa bắt đầu, tranh cãi gay gắt đã nổi lên, liên quan dự luật mang tên Thị trường nội địa mà chính phủ Anh dự định trình Quốc hội Anh phê chuẩn. Thủ tướng Giôn-xơn khẳng định, dự luật là "lưới pháp lý an toàn", phòng trường hợp EU diễn giải thiên lệch các điều khoản trong thỏa thuận hậu Brexit. Theo đó, dự luật bảo vệ việc làm, bảo đảm giao thương giữa các vùng của Anh tiếp tục trôi chảy và giúp tăng cường khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Theo diễn giải của Luân Ðôn, dự luật mới còn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bắc Ai-len, vùng lãnh thổ thuộc Anh trên đảo Ai-len và có biên giới chung với CH Ai-len. Theo đó, hàng hóa thời hậu Brexit từ Bắc Ai-len vào các vùng Inh-lân, Xcốt-len và xứ Uên trên đảo Anh không phải khai báo hải quan, không chịu ràng buộc quy định của EU về trợ cấp nhà nước. Tuy nhiên, quy định của Anh vi phạm "điều khoản chốt chặn" trong Thỏa thuận Brexit mà Anh ký với EU tháng 10-2019 và các cơ quan lập pháp hai bên đã phê chuẩn, trong đó quy định Bắc Ai-len vẫn ở lại thị trường chung và liên minh hải quan của EU sau Brexit. Vì thế, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ, không chỉ từ EU, mà còn ngay cả nội bộ "xứ sở sương mù".

Tạo thêm nút thắt, dự luật Thị trường nội địa của Anh đẩy tiến trình đàm phán thỏa thuận hậu Brexit vốn cam go vào cuộc khủng hoảng mới. Giới lãnh đạo EU cáo buộc Anh có kế hoạch lật lại các nội dung Thỏa thuận Brexit, vi phạm "thỏa thuận rút lui" một cách có chủ ý. Anh từ chối bảo đảm các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường và trong các vấn đề về khí hậu, môi trường, xã hội, tiêu chuẩn lao động, đồng thời thiếu cam kết về cách thức giải quyết tranh chấp, cũng như về hợp tác tư pháp, năng lượng và vận tải. EU chỉ trích, dự luật mới của Chính phủ Anh làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin giữa EU và Anh, yêu cầu Luân Ðôn rút lại dự luật, để tránh đối mặt cáo buộc pháp lý.

Vòng đàm phán mới nhất và có ý nghĩa cấp bách tiếp tục thất bại, khiến triển vọng về Brexit không thỏa thuận càng rõ rệt hơn. Không chỉ Anh dọa chấp thuận rời đi mà không có thỏa thuận, EU cũng tuyên bố khởi động chuẩn bị để sẵn sàng cho mọi kịch bản có thể xảy ra vào ngày 1-1-2021, thời điểm chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp Brexit của nước Anh.

Quãng thời gian gần một năm vốn đã quá ngắn để hai bên nhất trí được một thỏa thuận định hình mối quan hệ Anh - EU. Với vài tháng còn lại của năm 2020, sức ép còn lớn hơn. Dù vậy, dư luận vẫn hy vọng, hai bên duy trì thiện chí và dũng cảm nhượng bộ, để đạt một thỏa thuận, dù chỉ có tính chất tạm thời, để tránh những đổ vỡ do Brexit không thỏa thuận.