Nguy cơ đối đầu leo thang

Một cuộc khủng hoảng mới nổi lên trong quan hệ giữa Iran và phương Tây, khi Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) tăng sức ép, đòi Tehran cho phép Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Iran. Đáp lại, Iran tiếp tục giữ thái độ cứng rắn và tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong cuộc đối đầu mới với phương Tây.

Hội đồng thống đốc gồm 35 thành viên của IAEA đã thông qua nghị quyết kêu gọi Iran hợp tác đầy đủ với IAEA và cho phép các thanh sát viên của cơ quan này tiếp cận hai cơ sở hạt nhân của Iran. Đây là nghị quyết đầu tiên của IAEA liên quan chương trình hạt nhân của Tehran kể từ năm 2012. Nghị quyết có thể mở đường đưa tranh cãi liên quan vấn đề hạt nhân Iran ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), cơ quan LHQ duy nhất ra quyết định trừng phạt Tehran.

Nghị quyết được đưa ra sau khi IAEA công bố báo cáo cho rằng, Iran ngăn cản thanh sát viên IAEA tiếp cận các cơ sở bị nghi ngờ, sau khi cơ quan này xác định một số nghi vấn liên quan hoạt động hạt nhân của Tehran. Theo IAEA, kho dự trữ urani làm giàu của Iran hiện cao gấp tám lần so mức giới hạn theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký với các cường quốc nhóm P5+1 năm 2015. Tuy mức làm giàu u-ra-ni này thấp hơn nhiều so mức cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân, song các cường quốc phương Tây vẫn coi đây là mối đe dọa tiềm tàng. Ba nước tham gia JCPOA gồm Anh, Đức và Pháp đã trình IAEA một dự thảo nghị quyết kêu gọi Iran chấm dứt từ chối các thanh sát viên IAEA tiếp cận hai địa điểm hạt nhân, đồng thời yêu cầu Tehran hợp tác đầy đủ với IAEA theo nghĩa vụ được nêu trong Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

Bộ Ngoại giao Iran lên án nghị quyết của IAEA, cũng như các nước phương Tây thúc đẩy thông qua nghị quyết. Tehran bác bỏ “giải pháp chính trị và phi kỹ thuật” của IAEA, khẳng định vẫn hợp tác với IAEA ở mức độ cao nhất. Bộ trưởng Ngoại giao Iran cho rằng, IAEA chịu sức ép của một số nước, trong đó có Mỹ, nhằm tạo ra một mặt trận mới chống Tehran. Chỉ ra “những luận điệu bịa đặt và vô căn cứ” của phương Tây về chương trình hạt nhân của Iran, Tehran tuyên bố sẽ đưa ra hành động đáp trả thích đáng.

Những “mũi dùi” mà phương Tây hướng về Iran hiện nay được cho là nhằm giúp Mỹ thực hiện chính sách “gây sức ép tối đa” với Tehran, thúc đẩy khôi phục các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt chống Tehran, trong đó cấm bán vũ khí thông thường cho Iran. Washington ráo riết tìm mọi cách kéo dài lệnh cấm vận của LHQ chống Iran dự kiến hết hạn vào tháng 10 tới. Trong khi đó, Iran tiếp tục tỏ rõ thái độ không khoan nhượng và sẵn sàng đáp trả mọi động thái từ Mỹ. Trong lúc các cuộc tranh cãi chưa có hồi kết, “lời qua tiếng lại” giữa Iran và phương Tây ngày càng gay gắt. Hải quân Iran tiến hành cuộc tập trận ở phía bắc Ấn Độ Dương và gần lối vào vùng Vịnh, với sự tham gia của tên lửa hành trình thế hệ mới do Iran sản xuất, như một lời khẳng định về sức mạnh quân sự và năng lực phòng thủ “đáng gờm”.

Mặc dù các cường quốc châu Âu luôn khẳng định bảo vệ Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ, song việc ba nước EU soạn thảo nghị quyết trình IAEA bày tỏ nghi ngờ về chương trình hạt nhân của Tehran đã khiến Iran không thể tiếp tục tin vào những “lời hứa suông” của các nước châu Âu. Nhằm tránh thế bị cô lập, Iran tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong cuộc đối đầu mới với phương Tây. Trong chuyến thăm Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Iran G.Da-ríp đã nhận được cam kết “Moscow sẽ sát cánh cùng Tehran” đối phó mọi âm mưu chống Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Nga S.Lavrov khẳng định, Moscow kiên quyết phản đối âm mưu lợi dụng tình hình hiện nay để tác động đến Hội đồng Bảo an LHQ và thúc đẩy chương trình nghị sự chống Iran; Nga sẽ không để thế lực nào phá hủy JCPOA. Mỹ muốn khẳng định vẫn là một yếu tố quan trọng trong JCPOA, chỉ nhằm kích hoạt trở lại tất cả lệnh trừng phạt của LHQ chống Iran. Tuy nhiên, đại diện Nga tại LHQ nêu rõ, thật “nực cười” khi cho rằng Mỹ vẫn là một bên tham gia JCPOA, sau hai năm Washington rút khỏi bản thỏa thuận lịch sử này.

Những diễn biến căng thẳng mới xuất hiện trong quan hệ giữa Iran và phương Tây khiến rắc rối chung quanh vấn đề hạt nhân của Tehran thêm khó gỡ, thậm chí có nguy cơ kích hoạt xung đột, đe dọa ổn định và an ninh ở khu vực. Quan điểm cứng rắn từ cả hai phía càng làm giảm cơ hội tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại, vốn vô cùng cần thiết đối với vấn đề gai góc liên quan “hồ sơ hạt nhân” của Iran.