Nguy cơ chìm trong khủng hoảng

Tình hình CH Sát trở nên rối ren và phức tạp sau khi Tổng thống vừa tái đắc cử I.Đê-bi đột ngột qua đời, trong bối cảnh phiến quân ở miền bắc tuyên bố mở các mũi tiến công hướng về thủ đô Nơ-gia-mê-na. Pháp, Mỹ và Anh lo ngại bất ổn gia tăng ở CH Sát cản trở cuộc chiến chống khủng bố mà phương Tây phối hợp với quân đội CH Sát triển khai tại khu vực Tây và Trung Phi.

Căng thẳng tại CH Sát leo thang khi nhóm phiến quân tự xưng Mặt trận vì sự thay đổi và hòa hợp ở CH Sát (FACT), đặt cơ sở tại quốc gia láng giềng Li-bi, gần đây liên tiếp mở các đợt tiến công nhằm cản trở cuộc bầu cử tổng thống. Tình hình nguy hiểm hơn sau khi Tổng thống I.Đê-bi qua đời, do bị thương nặng trên chiến trường khi ông đang chỉ huy quân đội chiến đấu với phiến quân. Đáng chú ý, vụ việc xảy ra ngay sau khi ông Đê-bi, người nắm quyền tổng thống từ năm 1990, được tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ thứ sáu. Tiếp đó, con trai ông là Tướng Ma-ha-mát Ka-ka I.Đê-bi, 37 tuổi, được chỉ định làm Tổng thống lâm thời, trong giai đoạn chuyển tiếp. 

Diễn biến bất ngờ trên chính trường có nguy cơ đẩy CH Sát vào tình trạng chia rẽ sâu sắc. Phe đối lập phản đối quân đội tiếp quản quyền lực, trong khi các công đoàn kêu gọi công nhân đình công. Theo hiến pháp CH Sát, chủ tịch quốc hội được quyền trở thành tổng thống lâm thời. Tuy nhiên, sau khi quân đội giải tán chính phủ và quốc hội, Chủ tịch Quốc hội H.Ca-ba-đi tuyên bố rằng, với bối cảnh quân sự, an ninh và chính trị hiện nay, ông đồng ý chuyển giao việc nắm quyền điều hành đất nước cho quân đội. Quân đội cũng tuyên bố sẽ trao lại quyền lực cho một chính phủ dân sự và tổ chức các cuộc bầu cử tự do và dân chủ trong vòng 18 tháng. Tuy nhiên, phe đối lập cáo buộc quân đội Sát và đồng minh Pháp gây sức ép đối với Chủ tịch Quốc hội H.Ca-ba-đi; đây thực chất là “cuộc đảo chính”. Phiến quân ở miền bắc CH Sát cũng bác bỏ kế hoạch của quân đội; tuyên bố không tạm ngừng các hành động thù địch trong thời gian diễn ra lễ tang cố Tổng thống I.Đê-bi. 

Bạo lực leo thang và những diễn biến bất ngờ trên chính trường khiến viễn cảnh của CH Sát trở nên khó đoán định. Tổng thống I.Đê-bi vốn được xem là đồng minh chủ chốt của phương Tây, việc ông đột ngột qua đời gây lo ngại ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.  Lâu nay, CH Sát là một trong những nước đóng vai trò nòng cốt trong việc phối hợp với các lực lượng của Pháp để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực. Với đội quân thiện chiến, được huấn luyện tốt nhất ở khu vực, CH Sát đóng góp nhân lực quan trọng cho Lực lượng G5 Xa-hen chống khủng bố. Hiện có khoảng 1.200 binh sĩ CH Sát đồn trú tại Ni-giê, gần biên giới với Ma-li và Buốc-ki-na Pha-xô, cùng hàng trăm binh sĩ phối hợp với phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Ma-li. Nội chiến bùng phát buộc ban lãnh đạo CH Sát quyết định rút quân trở về hỗ trợ binh sĩ trong nước. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động gìn giữ hòa bình và chống khủng bố của 5.100 binh sĩ Pháp đang làm nhiệm vụ tại khu vực Xa-hen. Điều này gây tổn hại nỗ lực chống các tay súng thánh chiến Bô-cô Ha-ram đang hoành hành ở khu vực Hồ Sát, cũng như các nhóm cực đoan liên quan An Kê-đa và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Xa-hen.

Lo ngại bất ổn an ninh ở CH Sát lan rộng, Mỹ đã yêu cầu các nhân viên không phụ trách nhiệm vụ thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở CH Sát rời khỏi nước này. Anh cũng đưa ra khuyến cáo tương tự đối với công dân. Pháp lo ngại về diễn biến chính trị phức tạp, song tin tưởng ban lãnh đạo mới của CH Sát giữ cam kết trong cuộc chiến chống khủng bố.

BẤT ổn và bạo lực có nguy cơ đẩy CH Sát chìm sâu vào khủng hoảng, đe dọa an ninh và ổn định của cả khu vực. Các nước phương Tây kêu gọi Hội đồng quân sự CH Sát thúc đẩy chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự như cam kết và tiếp tục là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố.