Nguy cơ chệch hướng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo, nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát đại dịch có nguy cơ chệch hướng, khi vẫn còn hàng chục quốc gia chưa bắt đầu chương trình tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin thiếu hụt, WHO tiếp tục kêu gọi thúc đẩy phân phối công bằng, để tất cả các nước có được công cụ chống dịch hữu hiệu này.

Ngày 10-4 đánh dấu mốc 100 ngày đầu của năm 2021, cũng là thời hạn để hoàn tất mục tiêu mà WHO đề ra là chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được triển khai tại tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trước đó, trong phát biểu khởi động chương trình COVAX hồi tháng 2, Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút kêu gọi các nhà lãnh đạo, các chính phủ, địa phương trên khắp thế giới phối hợp bảo đảm phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19, với mục tiêu không còn quốc gia, khu vực nào chưa triển khai chương trình tiêm chủng sau 100 ngày đầu của năm 2021. Tuy nhiên, thời hạn trôi qua, mục tiêu WHO đặt ra đã không được hoàn thành.

Theo báo cáo WHO công bố hôm 9-4, trên thế giới đã có 194 quốc gia, vùng lãnh thổ triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, song vẫn còn 26 nước chưa tiêm chủng cho người dân. Trong đó, 12 nước có thể triển khai trong những ngày tới; 14 quốc gia chưa có kế hoạch, vì nhiều lý do, nhất là chưa được tiếp cận vắc-xin. Báo cáo nêu rõ, hơn 700 triệu liều vắc-xin đã được phân phối trên toàn cầu, tuy nhiên, có tới 87% trong số đó thuộc về các nước có thu nhập cao và trên trung bình, các nước có thu nhập thấp chỉ nhận được chưa đầy 0,2% số vắc-xin được đưa ra thị trường. Tại các nước giàu, cứ bốn người có một người đã được tiêm vắc-xin, trong khi tỷ lệ này tại các nước nghèo hơn chỉ là một trên 500 người. WHO cho rằng, sự phân phối thiếu cân bằng là nguyên nhân chính khiến mục tiêu tiêm chủng trong 100 ngày không thể hoàn tất.

Ðáng lo ngại là, dù lượng vắc-xin được phân phối khá lớn, số quốc gia, vùng lãnh thổ sở hữu công cụ chống dịch hữu hiệu này rất cao, chiến dịch tiêm chủng cũng được mở rộng, song cơn sốt đại dịch vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt rõ nét, thậm chí bùng lên trở lại ở những nơi mà tình hình dịch lắng dịu thời gian qua.

Theo số liệu của WHO, thế giới vẫn chứng kiến số ca mắc mới tăng trong sáu tuần liên tiếp vừa qua. Một phần nguyên nhân có thể là do sự mất cân bằng trong tiếp cận vắc-xin, không chỉ giữa các nước, mà còn ngay cả trong nội bộ mỗi quốc gia.

Thất vọng về mục tiêu 100 ngày không thể hoàn tất, WHO nhắc lại phê phán “chủ nghĩa dân tộc vắc-xin”, đồng thời cảnh báo về nguy cơ các nỗ lực toàn cầu chống đại dịch đi chệch quỹ đạo do sự bất bình đẳng trong phân phối. Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cùng tâm lý hoài nghi gia tăng liên quan những phát hiện mới về tác dụng phụ của vắc-xin, WHO cân nhắc mở rộng danh sách “ứng cử viên tiềm tàng” cho cơ chế COVAX. Trong đó, các vắc-xin Sinopharm và CoronaVac của Trung Quốc đang trong giai đoạn đánh giá cuối cùng, dự kiến sớm được WHO phê duyệt đưa vào sử dụng khẩn cấp. Các nước cũng thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung, hướng tới các vắc-xin tiềm năng.

Với mục tiêu bảo đảm khả năng tiếp cận vắc-xin công bằng hơn cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, sáng kiến COVAX của WHO được các quốc gia hưởng ứng. Ðến đầu tháng 4 vừa qua, gần 38,4 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 đã được chuyển tới hơn 100 nước, vùng lãnh thổ theo cơ chế này. WHO dự kiến phân phối ít nhất hai tỷ liều vắc-xin trong năm 2021 trong khuôn khổ COVAX; trong đó, tất cả các nước tham gia COVAX có được vắc-xin trong sáu tháng đầu năm nay.

Chia sẻ nỗ lực với WHO, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa cam kết tài trợ hai tỷ USD để cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 tới khoảng 40 nước đang phát triển vào cuối tháng 4. Số tiền này trích từ quỹ 12 tỷ USD mà WB đã cam kết dành hỗ trợ việc phát triển, sản xuất và phân phối vắc-xin tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. WB đặt mục tiêu, đến giữa năm nay, nâng mức cam kết lên bốn tỷ USD, dành cho 50 nước đang phát triển, những nơi cần nguồn lực để tăng cường chiến dịch tiêm chủng và hỗ trợ người dân chống dịch.

Theo WHO, vắc-xin ngừa Covid-19 và chiến dịch chủng ngừa là công cụ mạnh mẽ và hữu hiệu, là yếu tố then chốt để chấm dứt đại dịch. Ðể nỗ lực chống dịch không chệch hướng, thế giới cần thúc đẩy mọi quốc gia, lãnh thổ tiếp cận vắc-xin và khởi động tiêm phòng.