Nguy cơ “khủng hoảng kép”

Liên hiệp châu Âu (EU) và Anh vừa kết thúc vòng đàm phán thương mại mới “hậu Brexit”. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán diễn ra với tốc độ “sên bò”, phần vì do tác động của đại dịch Covid-19, phần vì giữa hai bên còn nhiều bất đồng lớn.

Anh và EU đã bước vào vòng đàm phán thương mại thứ ba trong tuần qua với không nhiều hy vọng về một thỏa thuận mang tính đột phá. Theo đó, vòng đàm phán mới bắt đầu với cuộc đàm phán trực tuyến giữa Trưởng đoàn đàm phán EU M.Barnier và người đồng cấp Anh D.Frost. Tiếp sau đàm phán giữa hai Trưởng đoàn là cuộc đàm phán trực tuyến có sự tham dự của hàng trăm quan chức Anh và EU. Những vấn đề gai góc mà hai bên phải vượt qua trong đàm phán thương mại hiện nay là ngư nghiệp và khái niệm “sân chơi bình đẳng”; cho phép cạnh tranh công bằng và cởi mở. Tuy nhiên, cũng giống như hai vòng đàm phán trước đó, tiến trình đàm phán lần này vẫn hầu như “giẫm chân tại chỗ”. Sau đàm phán, cả Anh và EU đều bày tỏ thất vọng về vòng đàm phán này. Trưởng đoàn đàm phán Anh đánh giá có rất ít tiến bộ để có thể đạt được thỏa thuận về các vấn đề quan trọng nhất. Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán của EU cho rằng ngoài một số “cơ hội khiêm tốn”, vòng đàm phán mới không đạt được tiến bộ khả thi nào trong các vấn đề gai góc. Ông M.Barnier đồng thời bày tỏ thất vọng vì phía Anh “không thật sự mong muốn theo đuổi một thỏa thuận thương mại với EU”.

Giới phân tích cho rằng, để đàm phán thương mại có tiến triển, cả Anh và EU cùng phải nhượng bộ. Trong khi EU cần thể hiện sự thỏa hiệp hơn nữa, thì Chính phủ Anh cũng cần linh hoạt hơn trong đường hướng của mình. Chính phủ Anh cho đến nay đã loại bỏ khả năng gia hạn thời kỳ chuyển tiếp Brexit vào cuối năm, kể cả khi EU yêu cầu để giảm bớt sức nóng chính trị của vấn đề này tại Anh. Trong khi đó, ở “xứ sở sương mù”, các đảng đối lập đã kêu gọi Thủ tướng B.Johnson gia hạn thời kỳ chuyển tiếp sau tháng 12 năm nay. Một nhà ngoại giao EU đánh giá, cả Anh và EU đều thể hiện thái độ không bằng lòng về kết quả đàm phán hiện nay. Trong khi đó, giai đoạn chuyển tiếp sắp kết thúc và EU cho rằng cần kết thúc đàm phán trong tháng 10 để có đủ thời gian cho Nghị viện châu Âu và 27 quốc gia thành viên trong “đại gia đình châu Âu” tiến hành phê chuẩn thỏa thuận mới. Tuy nhiên, Chính phủ Anh vẫn khẳng định “sẽ không khuất phục” trước những yêu cầu của EU trong các cuộc đàm phán.

Ngoài việc bất đồng Anh - EU trong đàm phán chưa được thu hẹp, đại dịch Covid-2019 cũng là một “vật cản” đối với tiến trình đàm phán hậu Brexit hiện nay. Các cuộc họp gần đây đã bị trì hoãn. Cuộc đàm phán thương mại Anh - EU hồi tháng 4 đã chậm hơn một tháng so với dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch. Ở vòng đàm phán vừa diễn ra, cả hai Trưởng đoàn đàm phán của Anh và EU đều là những “bệnh nhân” vừa thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” của vi-rút cô-rô-na mới. Đánh giá về triển vọng đàm phán thương mại Anh - EU bế tắc và hậu quả của nó, tờ The Business Times của Singapore vừa nhận định rằng, đúng vào thời điểm châu Âu ở đỉnh dịch Covid-19, châu lục này lại phải đối mặt với “cú sốc lớn thứ hai” sắp xảy ra. Đó là cuộc khủng hoảng Brexit mới, khi các cuộc đàm phán giữa Anh và EU thất bại trong tháng 5 hoặc tháng 6-2020. Nếu đàm phán không tiến triển trong tháng này và tháng 6 tới, cả hai bên gần như chắc chắn phải quay trở lại bàn đàm phán trong những tháng sau đó, nhưng với một loạt động cơ mới. Các cuộc thảo luận theo kịch bản này có thể sẽ kéo dài đáng kể và khi đó, tiến trình đàm phán có thể khó khăn hơn rất nhiều, với tình trạng bế tắc như trước đây.

Ở thời điểm hiện tại, có thể thấy nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng do đàm phán hậu Brexit thất bại đang ngày càng gia tăng. Nếu kịch bản Anh rời EU không thỏa thuận xảy ra, cả Anh và EU sẽ rơi vào một cuộc “khủng hoảng kép” với nền kinh tế bị tàn phá cùng lúc bởi đại dịch và “Brexit cứng” (Brexit không thỏa thuận). Theo đó, nước Anh có thể rơi vào một thời kỳ khủng hoảng kéo dài và rất khó khôi phục tăng trưởng kinh tế cũng như vị thế quốc gia của mình.