Ngưng tiếng súng

Với sức hấp dẫn đầu tư ngày một rõ nét, các nước châu Phi tổ chức hội nghị cấp cao khu vực năm 2020, cùng những kỳ vọng lớn và cam kết thực chất. Còn nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu “im tiếng súng” trên toàn châu lục, song với những tiềm năng bước đầu được khai phá, nhất là về kinh tế, châu Phi đang lạc quan hướng về tương lai.

Hội nghị cấp cao lần thứ 33 của Liên minh châu Phi (AU), diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia quy tụ đông đảo các nhà lãnh đạo từ hơn 50 quốc gia châu Phi. Chủ đề "Ngưng tiếng súng" của hội nghị đã khẳng định cam kết của châu Phi là chấm dứt chiến tranh và ngăn nạn diệt chủng. Bởi thế, một trong những ưu tiên thảo luận hàng đầu là cách thức giải quyết các cuộc xung đột trên khắp châu lục, cũng như thúc đẩy vai trò của AU trong các nỗ lực hòa bình ở khu vực.

Hội nghị lần này là cơ hội để các nhà lãnh đạo AU cùng thảo luận, chia sẻ giải pháp để không lỡ hạn chót năm 2020 trong nỗ lực chấm dứt bạo lực trên toàn châu Phi, một mục tiêu được thông qua từ năm 2013. Trước thềm hội nghị, phát biểu trước các Bộ trưởng Ngoại giao châu Phi, Chủ tịch Ủy ban AU M.Faki từng thẳng thắn phác thảo bức tranh ảm đạm về tình hình an ninh của châu lục, với nhiều mối đe dọa an ninh trải dài khu vực Sahel, cho đến Somali. Hằng ngày, vẫn có dân thường chết vì bạo lực, nhà cửa vẫn bị phá hủy, cho thấy tính phức tạp của tình hình an ninh ở châu Phi. Dù có một số tiến triển đạt được gần đây tại CH Trung Phi và Sudan, song các cuộc xung đột vẫn diễn biến phức tạp tại Libya và Nam Sudan, trong khi Cameroon và Mozambique cũng đối mặt các cuộc khủng hoảng mới.

Trong bối cảnh ấy, nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng, vượt qua mâu thuẫn nội bộ và tình trạng thiếu nguồn tài chính cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, AU mới có thể thật sự trở thành "người chơi chính" trong tiến trình giải quyết xung đột. Tổng thống Nam Phi S.Ramaphosa, người tiếp quản chức Chủ tịch AU từ Tổng thống Ai Cập A.Sisi, đã khẳng định ưu tiên để AU đóng vai trò lớn hơn trong các tiến trình hòa bình, nhất là tại Libya. AU cũng cần chủ động hơn, không "trông chờ" các cường quốc bên ngoài khu vực. Các nước châu Phi cần hành động nhanh và phản ứng mạnh hơn trước các sự việc ảnh hưởng trực tiếp đến lục địa này.

Giải pháp châu Phi cho các vấn đề của châu lục này là điều được nhiều nhà lãnh đạo đề cập. Ngoài việc khuyến khích tập trung tìm và xử lý "nguyên nhân gốc rễ" của các cuộc xung đột, Chủ tịch Ủy ban AU M.Pha-ki cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi theo đuổi những sáng kiến, trong đó kết hợp các giải pháp quân sự với các biện pháp từ các lĩnh vực khác, nhất là phát triển. Ðó là những gợi ý hoàn toàn có cơ sở, khi người dân châu Phi ngày càng hiểu rõ sự cần thiết phải nắm lấy các cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do châu Phi (AfCFTA) để thúc đẩy công nghiệp hóa, hội nhập và thịnh vượng của châu Phi. Như Tổng thống Nam Phi S.Ramaphosa khẳng định, đó chính là hiện thực hóa giấc mơ của các thế hệ đi trước, để nguồn tài nguyên phong phú của châu Phi phục vụ lợi ích chung của tất cả người dân châu Phi. Theo ông Ramaphosa, Nam Phi chủ trì một hội nghị bất thường về vấn đề "ngưng tiếng súng" vào tháng 5 tới, qua đó thúc đẩy tính độc lập và tự chủ của châu Phi.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A.Guterres nhấn mạnh về những bước tiến đáng kể ở châu Phi về mức sống, khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu chất lượng cao, như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, dịch vụ xã hội cơ bản và cơ sở hạ tầng. Song, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, những tiến triển này vẫn chậm và không đồng đều, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời chỉ rõ yếu tố cản trở lớn nhất vẫn là nạn tham nhũng. Ông Guterres yêu cầu các nước châu Phi và cộng đồng quốc tế đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống thuế, cũng như nâng cao năng lực điều hành của chính phủ. Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi có những chính sách ưu tiên trong việc trao quyền cho phụ nữ, trong bối cảnh vai trò của phái yếu tại châu lục còn chưa tương xứng tiềm năng...

Tân Chủ tịch AU khẳng định cam kết của khối nỗ lực giúp giảm căng thẳng tại Libya và khu vực Sahel, ngăn chặn và cắt đứt các "nguồn tài trợ" cho các cuộc xung đột này. Kỳ vọng về giai đoạn phát triển mới đã dấy lên từ những mục tiêu được AU ưu tiên trong năm 2020, gồm tăng cường đoàn kết châu lục, bảo đảm song hành giữa ổn định chính trị với phát triển kinh tế, giải quyết xung đột và nâng cao vai trò của châu Phi trên bản đồ chính trị - kinh tế thế giới.