Bình luận quốc tế

Ngăn chặn viễn cảnh tiêu cực

Các nước châu Âu đang nỗ lực ngăn Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), trong bối cảnh Tehran cắt giảm thêm các cam kết, dẫn tới đe dọa làm sụp đổ văn kiện lịch sử này. Việc Iran làm giàu urani ở cấp độ vượt mức cho phép gây lo ngại cho các bên tham gia thỏa thuận, đặt quốc gia Hồi giáo trước khả năng bị cả Mỹ và châu Âu ra “đòn trừng phạt”.

Tuyên bố của Iran về việc nước này đang làm giàu urani tới 5%, sau khi tiến hành các bước rút dần cam kết trong JCPOA gây lo ngại cho các nước châu Âu vốn muốn níu giữ thỏa thuận mong manh. Theo JCPOA, Iran được phép làm giàu urani ở mức giới hạn là 3,67%, nhưng Tehran đã phá vỡ hạn mức này nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Iran thậm chí còn tuyên bố có khả năng làm giàu urani ở mức 20%, 60% hay bất kỳ mức độ nào khác. Bởi, theo Tehran, mức 5% dù đã vượt ngưỡng quy định trong thỏa thuận nhưng vẫn thấp hơn mức 20% mà Iran từng thực hiện và thấp hơn nhiều so mức 90% để chế tạo đầu đạn hạt nhân.

Trong bước đi thứ tư nhằm cắt giảm cam kết, Iran đã nối lại hoạt động làm giàu urani tại cơ sở Fordow ở miền nam đất nước, đồng thời bắt đầu làm giàu urani tại nhà máy Natanz ở miền trung. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xác nhận, kho dự trữ urani đã được làm giàu của Iran tiếp tục tăng. Hồi đầu tháng 7 vừa qua, Tehran thông báo đã tăng dự trữ urani được làm giàu lên trên mức tối đa 300 kg cho phép trong thỏa thuận, đánh dấu bước đi đầu tiên cắt giảm cam kết.

Iran đang từng bước phá vỡ hạn mức về hoạt động hạt nhân trong JCPOA nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran. Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) cho biết, Tehran đã từ chối đưa cơ sở Fordow thành một trung tâm nghiên cứu theo cam kết trong JCPOA. Tới đây, công suất của nhà máy này sẽ được tăng lên, góp phần đưa chỉ số làm việc của các lò làm giàu urani từ 8.600 lên 9.500 SWU, tức là gần với mức trước thỏa thuận hạt nhân năm 2015. AEOI cũng nhấn mạnh, Iran có thể từ chối cải tạo lò phản ứng Arak nếu các bên tham gia thỏa thuận không sớm có biện pháp thực hiện cam kết.

Tehran cho rằng, mình có “lý do nặng ký” để không cho phép các chuyên gia của IAEA tiếp cận cơ sở tại Natanz mới đây, một động thái đã châm ngòi cho những tranh cãi giữa Tehran và cơ quan của Liên hợp quốc này. Tuy nhiên, Iran vẫn luôn bỏ ngỏ cánh cửa hòa giải, khi khẳng định họ có thể nhanh chóng đảo ngược các vi phạm, nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Những động thái từ phía Iran hiện đang gây quan ngại cho các cường quốc châu Âu tham gia JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao Đức H.Maas đã cảnh báo Iran về hoạt động làm giàu urani mới và dọa sẽ kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp có thể mở đường cho việc gia hạn các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc. Nếu Tehran tiếp tục có những động thái làm tổn hại tới lòng kiên nhẫn của châu Âu thì điều khoản về lộ trình giải quyết tranh chấp trong JCPOA có thể được kích hoạt. Theo đó, vụ việc có thể được đệ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Iran sẽ bị tái áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế chỉ trong vòng 65 ngày.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Đức tái khẳng định mong muốn của các nước Liên hiệp châu Âu (EU) duy trì JCPOA. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU F.Mogherini và Bộ trưởng ngoại giao các nước Pháp, Đức, Anh cùng kêu gọi Iran phải lựa chọn tuân thủ JCPOA, hoặc Tehran sẽ phải đối mặt các hành động, có thể bao gồm biện pháp trừng phạt. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, sẵn sàng xem xét tất cả các nội dung trong JCPOA để xử lý các vấn đề liên quan trách nhiệm thực hiện cam kết của Iran trong thỏa thuận mà họ đã ký năm 2015.

Trước sức ép mới của các cường quốc châu Âu, Tổng thống Iran H.Rouhani đã “hạ hỏa” trong phản ứng của mình. Ông nhấn mạnh, Iran có ý định duy trì thỏa thuận hạt nhân vì lợi ích quốc gia, mặc dù trước đó không lâu Thứ trưởng Ngoại giao Iran đã cảnh báo JCPOA có thể sụp đổ ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020 nếu không đạt giải pháp tích cực nào trong vài tháng tới.

Tehran đã tuyên bố về một viễn cảnh tiêu cực nhất có thể xảy ra đối với thỏa thuận hạt nhân. Các bước cắt giảm cam kết của Iran nhằm đối phó lệnh trừng phạt của Mỹ khiến các nỗ lực giải quyết “hồ sơ hạt nhân Iran” đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Cộng đồng quốc tế, nhất là các cường quốc tham gia JCPOA cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm ra giải pháp nhằm cứu thỏa thuận hạt nhân này khỏi nguy cơ đổ vỡ.