Muối bỏ bể

Hơn 100 đại diện chính phủ các nước và nhà tài trợ đã tham gia hội nghị trực tuyến gây quỹ viện trợ cho Y-ê-men, do Thụy Điển và Thụy Sĩ chủ trì. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới đang diễn ra ở Y-ê-men sau khi hội nghị quốc tế không đạt được 50% kinh phí cần thiết nhằm viện trợ cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng, hàng triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới ở Y-ê-men đang cận kề nạn đói, rất cần viện trợ để tồn tại nên cắt giảm viện trợ là “bản án tử hình” đối với họ. Hội nghị quốc tế vừa qua chỉ nhận được cam kết viện trợ tổng cộng 1,7 tỷ USD, chưa đạt một nửa mục tiêu mà LHQ đặt ra nhằm gây quỹ viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 3,85 tỷ USD giúp giải quyết nạn đói nghiêm trọng tại Y-ê-men. Số tiền cam kết lần này thấp hơn một tỷ USD so với khoản cam kết được đưa ra tại hội nghị năm 2019 và ít hơn khoản tiền 1,9 tỷ USD mà LHQ nhận được trong năm 2020 khi các khoản quyên góp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trong số tiền cam kết tài trợ, năm nay, chỉ có Đức đề nghị viện trợ 200 triệu ơ-rô, mức cao hơn so với 138 triệu USD năm 2020. Mỹ cam kết viện trợ 191 triệu USD và A-rập Xê-út là 430 triệu USD, đều thấp hơn số tiền quyên góp của năm 2020. Các cam kết lớn khác đến từ Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (230 triệu USD), Vương quốc Anh (123,23 triệu USD) và Liên hiệp châu Âu (116,2 triệu USD).

Cuộc xung đột kéo dài sáu năm qua đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người dân Y-ê-men và đẩy hàng triệu người đến bờ vực nạn đói. LHQ đánh giá đây là cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Các khoản viện trợ bị cắt giảm trong năm 2020 do đại dịch đã khiến nhiều chương trình nhân đạo bị gián đoạn, bao gồm dịch vụ y tế và phân phối thực phẩm, gây ra khó khăn chồng chất cho một quốc gia có tới hai phần ba dân số sống dựa vào viện trợ. Thống kê mới nhất của LHQ cho thấy, hơn 16 triệu trong tổng số 29 triệu người dân Y-ê-men đối mặt nạn đói trong năm nay và gần 50 nghìn người có thể chết. Ước tính 400 nghìn trẻ em Y-ê-men dưới 5 tuổi có thể chết do suy dinh dưỡng nặng.

Tình hình Y-ê-men đang diễn biến ngày càng xấu đi khi bạo lực bùng nổ dữ dội thời gian gần đây. Giao tranh giữa lực lượng chính phủ được liên quân A-rập hỗ trợ với phiến quân Hu-thi leo thang ác liệt ở  tỉnh Ma-ríp, khu vực cuối cùng do chính phủ kiểm soát tại miền bắc Y-ê-men. Trong khi đó, Hu-thi tăng cường các cuộc tiến công xuyên biên giới nhằm vào A-rập Xê-út, quốc gia dẫn đầu lực lượng liên quân tham chiến tại Y-ê-men. Xung đột ở khu vực này khiến số người chạy nạn lên tới mức báo động, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực. Ít nhất 9.000 người phải rời bỏ nhà cửa trong những tuần gần đây, nâng tổng số người phải di dời ở khu vực này lên hơn 117 nghìn người. Các đối tác nhân đạo ước tính có thêm 385.000 người có nguy cơ phải đi lánh nạn, nếu các cuộc giao tranh không chấm dứt ở Ma-ríp. 

LHQ đã thúc đẩy các nỗ lực trung gian nhằm tìm kiếm hòa bình cho Y-ê-men, song lệnh ngừng bắn liên tục bị vi phạm. Hy vọng về một giải pháp chấm dứt xung đột ở Y-ê-men đang nhen nhóm khi Tổng thống Mỹ G.Bai-đơn đưa ra một số quyết định đảo ngược chính sách dưới thời cựu Tổng thống Đ.Trăm trong các tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Y-ê-men. Ông G.Bai-đơn ngừng sự hỗ trợ của Oa-sinh-tơn dành cho các chiến dịch quân sự của A-rập Xê-út ở Y-ê-men, đồng thời đưa Hu-thi ra khỏi “danh sách đen khủng bố” nhằm tạo cơ hội cho đối thoại. Đặc phái viên Mỹ về Y-ê-men T.Len-đơ-kinh mới đây đã trở lại vùng Vịnh nhằm thúc đẩy cách tiếp cận hai chiều để chấm dứt xung đột ở Y-ê-men thông qua một giải pháp chính trị lâu dài và hỗ trợ nhân đạo cho người dân. 

Các cam kết viện trợ cho Y-ê-men chỉ như “muối bỏ bể” đối với một quốc gia bị chiến tranh tàn phá. Cách duy nhất để người dân Y-ê-men thoát khỏi thảm cảnh hiện nay là bảo đảm một lệnh ngừng bắn toàn quốc và một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài.