Mục tiêu và thách thức

Những mục tiêu chính sách đối ngoại của Nhà trắng hé lộ trong chuyến công du của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ M.Esper. Chọn châu Á là đích đến của chuyến thăm nước ngoài lần đầu nhằm gửi thông điệp về “địa bàn ưu tiên”, song lãnh đạo Lầu năm góc chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi từ các đồng minh, đối tác khu vực đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong năm điểm dừng chân của chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, có tới bốn quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực, gồm Australia, New Zealand, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ðiểm nữa là Mông Cổ, cũng là một đối tác chiến lược tiềm tàng của Mỹ trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng. Với bước đi chủ ý này, Lầu năm góc không chỉ muốn nhắc nhớ rằng, châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống D.Trump. Hơn thế, Washington còn phát đi thông điệp về nỗ lực kiến tạo một liên minh gắn kết trên cơ sở các mối quan hệ đồng minh và đối tác chiến lược, nhằm củng cố vị thế, mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương, trọng tâm mới của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Với cá nhân ông Esper, các mục tiêu nêu trên đặt ra nhiệm vụ thật sự khó khăn, khi ông thực hiện chuyến thăm châu Á vào thời điểm mới nhậm chức chưa đầy hai tuần, lại trong bối cảnh Lầu năm góc trước đó rơi vào "khủng hoảng nhân sự" với sự thay đổi liên tiếp các Quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Tại khu vực, tình hình an ninh lại có nhiều biến động, thách thức mới nổi lên, như những bước đối đầu mạnh bạo ở vùng Vịnh, hay các vụ thử vũ khí của Triều Tiên, đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ với các đối tác và giữa các đồng minh của Mỹ ở Ðông - Bắc Á. Bối cảnh khu vực đang đặt ra một loạt câu hỏi khó mà Washington cần sớm có lời giải.

Trong bối cảnh tình trạng đối đầu Mỹ - Iran tiếp tục leo thang, mà Mỹ luôn cảnh báo là đe dọa an ninh, an toàn hàng hải tại vùng Vịnh, nhất là tuyến vận chuyển dầu huyết mạch của thế giới qua eo biển Hormuz, Washington tích cực vận động để hình thành một liên minh quân sự đa quốc gia làm nhiệm vụ "bảo vệ tự do hàng hải". Trước nguy cơ trở thành "người bảo vệ đơn độc", khi các đồng minh chủ chốt của Mỹ ở châu Âu và Trung Ðông hoặc từ chối tham gia, hoặc tỏ thái độ hững hờ, Washington hướng đến các đối tác ở châu Á. Tuy vậy, dù khẳng định ủng hộ chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhất trí tăng cường hợp tác song phương về an ninh - quốc phòng với Mỹ, song Australia, New Zealand đều đưa ra câu trả lời "chưa quyết định tham gia". Ðề nghị của Mỹ cũng được các đồng minh chủ chốt là Nhật Bản và Hàn Quốc đáp lại rằng "sẽ xem xét thận trọng". Việc Mỹ chưa nhận được "cái gật đầu" cho chiến dịch "tuần tra tại vùng Vịnh" tại thời điểm Washington cho là "nước sôi lửa bỏng" hiện nay cho thấy sự khác biệt trong quan điểm và mối quan tâm giữa Mỹ với các đồng minh.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa hạ nhiệt, thậm chí lên nấc thang mới, được cảnh báo sẽ đẩy hai bên cận kề "cuộc chiến tiền tệ", sau khi Washington cáo buộc "Trung Quốc thao túng tiền tệ", còn Bắc Kinh thả nổi đồng tiền bản địa. Không những thế, hai cường quốc lại vướng vào tranh cãi mới, liên quan Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung chính thức đổ vỡ, và ngay lập tức Mỹ sốt sắng với kế hoạch triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung tại châu Á. Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng M.Esper được Mỹ kỳ vọng là "chuyến tiền trạm" cho một căn cứ quân sự mới của Mỹ ở khu vực. Song, trong bối cảnh lợi ích chiến lược giằng co ở khu vực, cùng những bước đi cứng rắn từ đối thủ, các cuộc thảo luận vừa rồi chỉ dừng ở mức thăm dò quan điểm của các đồng minh, đối tác. Tuy nhiên, chặng dừng chân không ngẫu nhiên của ông Esper tại Mông Cổ, quốc gia nằm giữa Trung Quốc và Nga, vẫn cho thấy Washington không từ bỏ kế hoạch "lá chắn tên lửa" ở châu Á gây nhiều tranh cãi.

Có thể thấy những ưu tiên chiến lược của Mỹ tại khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương được Bộ trưởng Quốc phòng M.Esper giới thiệu trong chuyến thăm châu Á. Những thách thức đặt ra cho chính các mục tiêu này của Washington cũng bộc lộ. Thực tế này phản ánh tính chất đối đầu quyết liệt trong cuộc cạnh tranh địa chính trị tại khu vực chiến lược của thế giới.