Mục tiêu tham vọng

Tổng thống G.Bai-đơn đã có bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ, sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu ông lên nắm quyền. Trong thời gian này, một trong các quyết định quyết đoán nhưng đầy tham vọng của Tổng thống Bai-đơn là đưa nước Mỹ quay trở lại Thỏa thuận Pa-ri và dẫn đầu cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mục tiêu và những quyết sách của chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn được kỳ vọng sẽ tác động tích cực tới nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu cho dù phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống G.Bai-đơn đã ký sắc lệnh hành pháp đưa Mỹ tham gia trở lại Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, đồng thời nhanh chóng bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Ngoại giao G.Ke-ri làm Ðặc phái viên về khí hậu. Ðể thực hiện tuyên bố đưa Mỹ về vị trí dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, ông Bai-đơn đã đưa ra một loạt quyết sách mang tính đột phá, đảo ngược với chính sách của chính quyền tiền nhiệm. Hội nghị quốc tế đầu tiên mà Tổng thống Bai-đơn chủ trì là về chủ đề khí hậu. Khẳng định Mỹ quyết tâm hành động để đi đầu giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cấp bách hiện nay, Tổng thống Bai-đơn kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh kế hoạch giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông chủ Nhà trắng cũng đưa ra cam kết vào năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm từ 50% đến 52% lượng khí thải so mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với cam kết mà chính quyền của cựu Tổng thống B.Ô-ba-ma đưa ra khi ký Thỏa thuận Pa-ri năm 2015.

Thế giới đã đạt được những tiến bộ quan trọng trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu thông qua những cam kết mới được đưa ra tại Hội nghị cấp cao trực tuyến về khí hậu do Mỹ khởi xướng. Nhật Bản và Ca-na-đa đã đặt mục tiêu mới nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, theo đó Nhật Bản sẽ giảm lượng khí thải ít nhất 46% so với mức năm 2013 và Ca-na-đa cam kết giảm lượng khí thải từ 40% đến 45% so với mức năm 2005. Mỹ tuyên bố sẽ tham gia nỗ lực toàn cầu nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2050 đạt được trung hòa khí thải trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường biển. 

Bra-xin cam kết cùng các quốc gia khác đạt mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, trong khi Hàn Quốc thông báo sẽ chấm dứt hỗ trợ tài chính cho các nhà máy sử dụng than đá ở nước ngoài. Với những mục tiêu giảm phát khí thải mới được công bố, hơn một nửa trong số các nền kinh tế trên thế giới hiện nay cam kết tăng tốc hành động nhằm kiềm chế sự tăng nhiệt độ Trái đất ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp và ngày càng có thêm nhiều nước đưa ra cam kết này.

Tuy nhiên, vấn đề mà thế giới phải khẩn trương hành động là hiện thực hóa các cam kết. Tổng thống G.Bai-đơn tuyên bố Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ để giúp các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Nhà trắng cho biết, Mỹ đang hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi trong việc viện trợ cho các nước đang phát triển do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và để bù đắp cho việc nguồn tài trợ của Mỹ sụt giảm dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Ð.Trăm. Nhằm đạt được mục tiêu này, Nhà trắng cam kết đến năm 2024 sẽ tăng gấp ba lần nguồn tài trợ cho nỗ lực thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng vào những điều chỉnh đối với biến đổi khí hậu hiện nay hoặc trong tương lai. Các cơ quan của Mỹ cũng sẽ phối hợp các đối tác phát triển nhằm ưu tiên vấn đề khí hậu trong các dự án đầu tư, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường tài trợ cho nỗ lực thích ứng và khả năng phục hồi. Mỹ sẽ cùng với A-rập Xê-út và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cố gắng giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong ngành vận tải hàng hóa toàn cầu, vốn tạo ra một tỷ tấn các-bon đi-ô-xít mỗi năm, tương đương lượng khí thải hằng năm của Ðức.

Cam kết chống biến đổi khí hậu mà Mỹ và các nước đưa ra làm gia tăng hy vọng đạt các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, còn không ít thách thức khi các cam kết mới được cho là tham vọng, vì thực tế các nước có nhiều toan tính lợi ích và từ lời nói đến hành động còn là khoảng cách dài. Thủ tướng Ô-xtrây-li-a X.Mo-ri-xơn cho biết, nước này đang trên lộ trình đáp ứng các cam kết của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu, nhưng không cam kết về một khung thời gian cụ thể cho lộ trình trung hòa khí thải về mức 0. Hiện Ô-xtrây-li-a vẫn giữ nguyên mức mục tiêu đưa khí thải xuống thấp hơn 26% đến 28% so với mức năm 2005 vào năm 2030. Con số này chỉ bằng 50% so với mục tiêu tham vọng mà Tổng thống G.Bai-đơn đã đặt ra. Trung Quốc, quốc gia phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới, cho biết cần thêm thời gian để giảm lượng khí thải.

Việc Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và là quốc gia phát khí thải nhiều thứ hai thế giới, chính thức tham gia trở lại Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu với tâm thế đi tiên phong đã tạo động lực mạnh mẽ cho các quốc gia khác chung tay đối phó tình trạng Trái đất nóng lên. Tuy nhiên, để hiện thực hóa các mục tiêu, ngoài ý chí chính trị của chính phủ các nước, cần sự phối hợp để biến các cam kết thành hành động. Ðây là vấn đề không dễ dàng bởi "có bột mới gột nên hồ", trong bối cảnh các nguồn ngân sách dành cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu bị tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Thanh Vân