Mục tiêu kép hậu Covid-19

Cùng phục hồi kinh tế để không quốc gia nào bị bỏ lại phía sau, đồng thời triển khai các dự án xanh để tạo động lực phát triển bền vững là mục tiêu kép trong thời kỳ hậu Covid-19 được các định chế tài chính, các nước lớn trên thế giới quan tâm.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đang đẩy các nước nghèo và người nghèo trên thế giới lún sâu hơn vào khó khăn. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa qua, Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na cho rằng, các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình đang bị lãng quên, dù đây là nhóm chiếm tới 75% dân số thế giới và 62% trong số này đang sống ở mức nghèo khó. Trong khi đó, tuyên bố của hội nghị dẫn ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 khiến thế giới có thêm 120 triệu người cực nghèo, hầu hết ở các quốc gia thu nhập trung bình.

Trong bối cảnh nêu trên, các thành viên G20 là Mê-hi-cô và Ác-hen-ti-na đã kêu gọi các chủ nợ quốc tế giãn nợ cho các quốc gia trong nhóm thu nhập trung bình. Đồng thời, đưa các quốc gia thu nhập trung bình vào nhóm được hưởng lợi từ kế hoạch hỗ trợ đặc biệt có tổng trị giá 650 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hai nước này cũng đề nghị tạo một quỹ quốc tế  hỗ trợ tái cấu trúc nợ cho các quốc gia thu nhập trung bình, giúp ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế và tài chính trở thành khủng hoảng nợ trong trung hạn. Những đề xuất nêu trên được đưa ra trong bối cảnh “cơn bão Covid-19” tàn phá nặng nề kinh tế các nước nghèo, nước đang phát triển. Tuy nhiên, thống kê cho thấy tới nay, mới chỉ có 46 (trong tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện) đề nghị và được chấp thuận hoãn trả khoản nợ tổng trị giá khoảng 5,7 tỷ USD. 

Để hỗ trợ các nước nghèo sớm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế sau đại dịch, các Bộ trưởng Tài chính và các Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 đã nhất trí lùi thời hạn thanh toán lãi suất nợ công với các quốc gia nghèo nhất thế giới. Đồng thời, “đại gia đình G20” cũng ủng hộ kế hoạch của IMF nâng các mức dự trữ để giúp đỡ các quốc gia nghèo và cam kết đạt thỏa thuận về cải cách thuế toàn cầu trước giữa năm 2021. Bên cạnh yêu cầu hỗ trợ các nước nghèo phục hồi kinh tế, các định chế tài chính quốc tế như IMF, WB đang chú trọng hỗ trợ nước nghèo và nước đang phát triển để họ không bỏ cuộc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị mùa xuân diễn ra cuối tuần trước, WB và IMF đã đề xuất ý tưởng “hoán đổi nợ” lấy các dự án xanh. Theo đó, Tổng Giám đốc điều hành IMF cho rằng, các nước có thu nhập thấp đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kép - vừa chịu áp lực trả nợ, vừa phải đương đầu với các vấn đề môi trường, khiến họ rất dễ bị tổn thương. Vì vậy, bằng cách nới lỏng gánh nặng nợ của các chính phủ, các định chế tài chính và chủ nợ có thể giúp các nước nghèo có nguồn lực đầu tư vào các dự án xanh để phục hồi. Đây sẽ là yếu tố quan trọng đưa thế giới vào giai đoạn phát triển bền vững hơn trong thời kỳ hậu Covid-19. Dự kiến, chi tiết về ý tưởng hoán đổi nợ lấy các dự án xanh sẽ được công bố tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2021 tại Anh. Tăng chi tiêu để thúc đẩy kinh tế thế giới và giúp các nước nghèo phục hồi kinh tế, chống biến đổi khí hậu, bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau” cũng là thông điệp được Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhấn mạnh tại Hội nghị mùa xuân vừa qua của WB và IMF. 

Thế giới đang trải qua “cơn bạo bệnh Covid-19”, nhờ tích cực chống dịch và “phủ sóng” vắc-xin, sức khỏe nền kinh tế toàn cầu hiện đang phục hồi khả quan. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới công bố, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay lên 6%, thay vì 5,5%  hồi tháng 1. Tuy nhiên, vấn đề lớn đặt ra hiện nay là sự phục hồi của các nền kinh tế không đồng đều và có sự chênh lệch rõ rệt giữa các nước. Từ đó, đặt ra yêu cầu cho cộng đồng quốc tế, nhất là các nước giàu và những định chế tài chính lớn, là phải nỗ lực triển khai thực hiện “mục tiêu kép hậu Covid-19”: vừa giúp các nước nghèo phục hồi kinh tế, vừa bảo đảm cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.