Mục tiêu cấp bách

Liên hợp quốc (LHQ) thông báo, số đông các nước thành viên đã cam kết thúc đẩy phân phối công bằng vắc-xin ngừa Covid-19. Vốn là "mặt hàng khan hiếm" thời đại dịch, vắc-xin vẫn chưa đến được nhiều quốc gia, phần vì các nước nghèo thiếu nguồn lực, phần cũng do nhiều nước giàu mua hơn mức cần khẩn cấp. Hơn lúc nào hết, giờ đây, mục tiêu cấp bách là đoàn kết, chia sẻ vắc-xin.

Trong thông báo hôm 26-3, LHQ xác nhận, đã có 180 nước trong tổng số 193 thành viên LHQ tham gia ký một tuyên bố chính trị chung, khẳng định ủng hộ và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu, hợp tác đa phương nhằm đẩy nhanh sản xuất, phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 ở cấp độ khu vực và trên toàn thế giới. Tuyên bố nêu rõ, sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là cơ chế quốc tế phù hợp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc-xin. Các thành viên LHQ kêu gọi các nước giàu và có dư nguồn vắc-xin chia sẻ với các quốc gia thuộc nhóm có thu nhập trung bình và thấp, cũng như tới những nơi cần sự hỗ trợ khẩn cấp.

Tuyên bố chính trị nêu trên được LHQ đưa ra trong bối cảnh khoảng cách về tiếp cận vắc-xin giữa các quốc gia còn quá lớn. Ðã có nhiều thỏa thuận, sáng kiến quốc tế và cả các tuyên bố chung được đưa ra, song việc phân phối vắc-xin vẫn không đồng đều, giữa các quốc gia và ngay cả trong một nước. Ðáng lo ngại là, còn nhiều nước vẫn chưa có vắc-xin. Theo số liệu truyền thông cập nhật đến ngày 27-3, ước tính đã có hơn 510 triệu liều vắc-xin được tiêm trên thế giới, nhiều nhất là tại Mỹ, với 133 triệu liều; Ấn Ðộ là 91 triệu liều. Tuy nhiên, số ca mắc Covid-19 vẫn không ngừng tăng, với hơn 500 nghìn ca được ghi nhận trên thế giới chỉ trong một tuần qua. Dịch bệnh hoành hành mạnh hơn ở châu Âu và khu vực Mỹ la-tinh. Trong đợt bùng phát dịch thứ ba hiện nay, tại Bra-xin, tiến độ cung cấp vắc-xin không theo kịp tốc độ lây lan Covid-19, trong khi tại Mê-hi-cô, mới chỉ số ít người dân được tiêm chủng ngừa Covid-19...

Cảnh báo về tình trạng không đồng đều giữa các nước trong tiếp cận vắc-xin và triển khai tiêm chủng quốc gia, WHO tiếp tục kêu gọi các nước giàu duy trì và mở rộng tài trợ vắc-xin, giúp các nước nghèo đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng Covid-19. Nhận định thế giới đang trong giai đoạn cấp bách, WHO nêu mục tiêu không còn nước nào chưa khởi động tiêm vắc-xin sau 100 ngày đầu của năm 2021. Ðể đạt được điều đó, các nước giàu nên san sẻ vắc-xin với các nước nghèo. Theo Tổng Giám đốc WHO, nếu các nước giàu chia sẻ 10 triệu liều vắc-xin vào thời điểm này, thì sau hai tuần nữa, sẽ có ít nhất 20 nước nghèo có thể khởi động tiêm chủng trước mắt cho nhân viên y tế và người cao tuổi.

Giới chuyên gia cũng báo động về tình trạng thiếu vắc-xin tại các nước nghèo và đang phát triển, trong bối cảnh "chủ nghĩa dân tộc vắc-xin" có xu hướng gia tăng, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Trong báo cáo nghiên cứu vừa công bố, các chuyên gia của Trung tâm Ðổi mới y tế toàn cầu thuộc Ðại học Duke (Mỹ) nêu rõ, việc các nước giàu tích trữ vắc-xin ngừa Covid-19 đang cản trở các nỗ lực thực hiện mục tiêu tiêm phòng cho 70% dân số thế giới, nhằm đạt miễn dịch cộng đồng. Trong khi nhiều nước còn rất khó tiếp cận nguồn cung vắc-xin, các nước phát triển ước tính đã sở hữu khoảng 4,6 tỷ liều. Chẳng hạn, Mỹ đã mua 1,2 tỷ liều vắc-xin để tiêm cho hơn 300 triệu dân, cao hơn cả con số một tỷ liều mà WHO đặt mua theo cơ chế COVAX để phục vụ tiêm chủng cho hàng tỷ người ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

WHO ước tính, thế giới chỉ có thể tạm thở phào khi hoàn tất mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số. Các nước đều nỗ lực để tiếp cận và bảo đảm nguồn cung vắc-xin, vì thế nhu cầu về vắc-xin có thể vượt khả năng cung cấp trong một vài tháng tới. Cùng tình trạng cạnh tranh gay gắt trong sở hữu vắc-xin, nhiều thách thức cũng đặt ra trong các khâu sản xuất và phân phối. Theo các chuyên gia, giải pháp cho vấn đề này là các nước sẵn sàng chuyển giao công nghệ, chia sẻ bằng sáng chế, giúp tăng năng lực sản xuất vắc-xin.

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, những dấu hiệu lắng dịu chỉ xuất hiện ở một vài nơi. Ðoàn kết và chia sẻ là mục tiêu cấp bách tiếp tục được LHQ nhắc lại.