Mồi lửa ở vùng Vịnh

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ J.Bolton đã tới Luân Ðôn để tiến hành các cuộc thảo luận với giới chức Anh về vấn đề Iran, trong bối cảnh Mỹ đang kêu gọi sự ủng hộ và hậu thuẫn của các đồng minh nhằm thành lập liên minh quân sự được triển khai ở vùng Vịnh. Tuy nhiên, việc phương Tây thể hiện lập trường cứng rắn với Iran càng làm leo thang căng thẳng ở khu vực.

Trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng Vịnh, Mỹ đã mời các nước đồng minh gồm Australia, Pháp, Ðức, Nhật Bản, Na Uy, Bỉ, Anh và Hàn Quốc tham gia liên minh hàng hải với mục tiêu bảo vệ lợi ích của các nước này cũng như bảo đảm các nguyên tắc cơ bản về giao thông hàng hải tự do và mở ở tuyến đường biển chiến lược. Tuy nhiên, hầu hết các đồng minh của Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng khi cho rằng, việc này có thể làm leo thang căng thẳng với Iran, quốc gia nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz, tuyến đường biển huyết mạch vận chuyển tới gần 20% lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng của thế giới. Hiện chỉ có Anh tuyên bố tham gia sứ mệnh bảo đảm an ninh biển do Mỹ dẫn đầu tại vùng Vịnh.

Mỹ muốn Anh có lập trường cứng rắn hơn đối với Iran, sau khi London và Tehran đã có những va chạm liên quan việc bắt giữ tàu chở dầu của nhau ở vùng Vịnh. Ðể thể hiện sự ủng hộ đối với các biện pháp mà Mỹ đưa ra đối với Iran, Anh đã điều chiến hạm HMS Kent tới vùng Vịnh. Tàu HMS Kent sẽ cùng một tàu chiến khác của Anh là HMS Duncan đang hoạt động trong khu vực tham gia sứ mệnh cùng hải quân Mỹ nhằm bảo vệ các tàu thương mại ở khu vực.

Iran cáo buộc Mỹ biến vùng Vịnh thành một "mồi lửa sẵn sàng bùng cháy". Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif nhấn mạnh, vùng Vịnh sẽ trở nên "ít an toàn hơn" do các tàu hải quân nước ngoài tăng cường sự hiện diện tại đây. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran cho rằng, bất kỳ sự hiện diện quân sự nào ở vùng Vịnh từ thế lực ở bên ngoài khu vực sẽ là một "nguồn gây mất an ninh" đối với Iran. Tehran nhiều lần khẳng định, trách nhiệm duy trì an ninh tại vùng Vịnh thuộc về chính các quốc gia trong khu vực, chứ không phải các thế lực bên ngoài.

Một mặt tiếp tục thực hiện các chính sách cứng rắn trong cuộc đối đầu với phương Tây, mặt khác Iran đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao, tăng cường hợp tác trong khu vực để Iran không đơn độc trong thực hiện các biện pháp an ninh ở vùng Vịnh. Bộ trưởng Ngoại giao Iran M.Zarif vừa có chuyến thăm Qatar nhằm khẳng định chính sách củng cố mối quan hệ với quốc gia láng giềng vốn cũng đang chịu sự cô lập của một số nước A-rập ở vùng Vịnh. Trong chuyến thăm này, Iran đã nhận được sự hợp tác của Qatar khi hai nước nhất trí duy trì các cuộc tham vấn song phương liên quan những vấn đề "nóng". Iran cũng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với A-rập Xê-út, quốc gia vốn được coi là "đối thủ cạnh tranh" của Tehran ở khu vực. Iran cho biết, có thể tổ chức các cuộc đàm phán với A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE), một đồng minh thân cận của Ri-i-át, nhằm giải quyết bất đồng giữa hai bên, sau các vụ tiến công nhằm vào tàu chở dầu ở UAE ở vùng Vịnh.

Eo biển Hormuz chỉ rộng 33 km, nhưng lại là lối vào phía đông và điểm ra vùng Vịnh, hiện do Iran và UAE quản lý. Tình hình tại đây ngày càng trở nên căng thẳng sau các vụ tiến công tàu chở dầu, việc Iran và Mỹ bắn rơi máy bay do thám không người lái của nhau, cũng như việc Tehran bắt giữ tàu chở dầu của Anh. Trong bối cảnh đó, Iran muốn mở cánh cửa đối thoại với các nước trong khu vực nhằm giảm căng thẳng. Bởi thế, việc Mỹ đang ráo riết thành lập một liên minh quân sự nhằm bảo vệ các tàu thương mại cùng với lợi ích của Mỹ và đồng minh ở vùng Vịnh giống như "thêm dầu vào lửa" và làm phức tạp tình hình ở khu vực có vị trí địa - chính trị hết sức quan trọng và nhạy cảm này.