Mở cánh cửa đối thoại

Theo I-ran, lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc (LHQ) áp đặt với Tê-hê-ran chấm dứt là theo lộ trình thực hiện các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà I-ran ký với các cường quốc nhóm P5+1. Ðây cũng là động lực để I-ran tiếp tục tuân thủ các cam kết trong JCPOA, vì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Bất chấp sức ép mạnh mẽ của Mỹ, lệnh cấm vận vũ khí đối với I-ran vẫn không được LHQ gia hạn. I-ran tuyên bố đây là kết quả từ cam kết của Tê-hê-ran đối với thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015. Quốc gia Hồi giáo coi đây là thắng lợi lớn, đánh bại kế hoạch của Mỹ chống Tê-hê-ran, đồng thời mở cánh cửa đàm phán giữa I-ran với các đối tác về vấn đề trao đổi vũ khí. I-ran khẳng định, phần lớn vũ khí phục vụ quốc phòng của I-ran được sản xuất trong nước và Tê-hê-ran sẽ chủ yếu bán vũ khí. Thực tế, Tê-hê-ran đã đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong sản xuất vũ khí cấp cho các lực lượng bộ binh, pháo binh, cũng như tàu quân sự, tàu ngầm và nhất là máy bay không người lái. Ðể thể hiện sức mạnh quân sự và tăng cường khả năng phòng thủ, I-ran thường xuyên tổ chức tập trận ở vùng Vịnh. Một cuộc tập trận quy mô lớn với việc thử nghiệm các hệ thống phòng không được sản xuất trong nước diễn ra chỉ vài ngày sau khi lệnh cấm vận vũ khí quốc tế với I-ran hết hiệu lực. Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ I-ran khẳng định, Tê-hê-ran không theo đuổi chạy đua vũ trang ở khu vực Tây Á.

Nỗ lực bất thành trong việc vận động sự ủng hộ quốc tế nhằm gia hạn lệnh cấm vận vũ khí chống I-ran vẫn không khiến Oa-sinh-tơn từ bỏ chính sách gây sức ép tối đa với Tê-hê-ran. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ M.Pom-peo cảnh báo, Oa-sinh-tơn sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với bất kỳ hành động bán vũ khí nào cho I-ran. Mỹ sẵn sàng sử dụng thẩm quyền trong nước để trừng phạt bất kỳ cá nhân, thực thể nào đóng góp về vật chất nhằm cung cấp, bán hoặc vận chuyển vũ khí thông thường tới hoặc từ I-ran. Mỹ cho rằng, tất cả các nước tìm kiếm hòa bình và ổn định tại Trung Ðông cũng như ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố cần tránh mọi động thái buôn bán vũ khí với I-ran. Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, trong 10 năm qua, các nước đã kiềm chế bán vũ khí cho I-ran bằng các biện pháp khác nhau của LHQ.

Vì vậy, bất kỳ quốc gia nào thách thức lệnh cấm của LHQ đồng nghĩa chọn cách châm ngòi xung đột và căng thẳng, hơn là thúc đẩy hòa bình và an ninh. Bên cạnh đó, Mỹ tiếp tục gia tăng các “đòn trừng phạt” nhằm vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng và dầu mỏ của I-ran. 

Trong khi Mỹ đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt Tê-hê-ran, cộng đồng quốc tế, trong đó có các cường quốc tham gia JCPOA, kêu gọi bảo vệ bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử, coi đây là yếu tố quan trọng bảo đảm hòa bình và ổn định ở Trung Ðông. Ngay cả hai đồng minh của Mỹ ở châu Âu là Pháp và Ðức cũng phản đối cách tiếp cận sử dụng “cây gậy” của Oa-sinh-tơn đối với Tê-hê-ran. Tổng thống Pháp E.Ma-crông khẳng định, châu Âu sẽ không nhượng bộ Mỹ liên quan nỗ lực của Oa-sinh-tơn nhằm tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt I-ran, đồng thời nhấn mạnh rằng chính sách gây áp lực tối đa với I-ran không có tác dụng kiềm chế tầm ảnh hưởng của quốc gia Hồi giáo tại khu vực, cũng không bảo đảm rằng I-ran sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân. Theo nhà lãnh đạo Pháp, việc Mỹ kích hoạt cơ chế trừng phạt trong khuôn khổ JCPOA, trong khi Oa-sinh-tơn không còn quyền tác động sau khi rút đi, sẽ chỉ làm suy yếu nền tảng đoàn kết của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như tính toàn diện của những quyết định mà cơ quan này đưa ra, thậm chí còn gây nguy cơ kích động căng thẳng ở khu vực.

Việc Mỹ tiếp tục siết chặt các “đòn trừng phạt” chống I-ran không mới, bởi chính sách “ngoại giao cây gậy” được Oa-sinh-tơn áp dụng nhiều năm qua với Tê-hê-ran. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc các bên tuân thủ cam kết trong thỏa thuận hạt nhân được cho là cách tốt nhất và duy nhất để duy trì sự ổn định ở khu vực.

Bởi thế, chấm dứt đối đầu và tạo thuận lợi để mở cánh cửa đối thoại là xu hướng cần được khích lệ, nhằm giảm căng thẳng, góp phần quan trọng vào hòa bình ở Trung Ðông.