Mắt xích quan trọng

Một trong những nguyên nhân khiến mức độ tàn phá của các thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt là tình trạng biến đổi khí hậu. Việc Mỹ chính thức tham gia trở lại Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, với kỳ vọng nền kinh tế hàng đầu thế giới đóng vai trò dẫn dắt trong cuộc chiến bảo vệ hành tinh xanh.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) A.Gu-tê-rét đã hoan nghênh việc Mỹ trở lại với nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhà lãnh đạo tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kêu gọi thế giới chung tay hành động để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, một mục tiêu đầy tham vọng song có thể thực hiện được nếu có sự đồng lòng. Việc chính quyền Tổng thống G.Bai-đơn đưa Mỹ gia nhập trở lại Thỏa thuận Pa-ri là tin tốt với “xứ cờ hoa” và cả thế giới. Theo ông Gu-tê-rét, sự vắng mặt của Mỹ trong bốn năm qua đã tạo lỗ hổng trong Thỏa thuận, có thể ví như tình trạng “một mắt xích thiếu làm suy yếu toàn bộ”. Sự trở lại của Mỹ, cùng các thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), được cho là sẽ có vai trò quyết định trong thực hiện ba mục tiêu chính trong chống biến đổi khí hậu, gồm tầm nhìn dài hạn, thập kỷ chuyển đổi và hành động khí hậu khẩn cấp. Tạo ra một liên minh toàn cầu thật sự để trung hòa thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050 cũng là mục tiêu ưu tiên của LHQ.

Được coi là một thành tựu lịch sử, song Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu đã gặp không ít thách thức khi những cam kết đưa ra đến nay bị xem là vẫn chưa đủ sức nặng, trong khi nhiều cam kết còn chưa được thực hiện. Sáu năm trôi qua kể từ năm 2015, thời điểm các nước đàm phán và ký thỏa thuận, thế giới liên tục chứng kiến những tai họa thảm khốc do thiên nhiên giáng xuống. Đây cũng là thời gian mà nhiệt độ Trái đất nóng nhất trong lịch sử và mức khí thải các-bon đi-ô-xít tăng cao kỷ lục. Nếu không có thay đổi, nhân loại có thể phải đối mặt mức tăng nhiệt lên hơn 30C trong thế kỷ này. Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ đang được chuẩn bị tổ chức tại Xcốt-len (Vương quốc Anh), vào tháng 11 tới, sẽ là một cơ hội quan trọng để thế giới đưa ra những hành động cụ thể, những quyết định mang tính đột phá và mạnh mẽ hơn nữa vì tương lai của con người và hành tinh.

Nhiều quốc gia và tổ chức bày tỏ mong muốn hợp tác với Mỹ để thúc đẩy lộ trình thực hiện các mục tiêu khí hậu. Chính phủ Nhật Bản tuyên bố muốn cùng với Mỹ tập trung nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến, thiết lập các quy tắc quốc tế và hợp tác, hướng tới việc thực hiện trung hòa các-bon trong nhóm các nước ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nga hy vọng thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong khuôn khổ Hội đồng Bắc Cực. Tổng Thư ký NATO G.Xtôn-ten-bớc mới đây cũng chia sẻ rằng, NATO có thể đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo đó NATO sẽ gắn vấn đề này trong các kế hoạch của liên minh, phù hợp khả năng của các lực lượng vũ trang và hạn chế khí thải quân sự. Tổng Thư ký LHQ cũng đề nghị Trung Quốc và Mỹ hợp tác hành động vì khí hậu.

Để thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Tổng thống G.Bai-đơn đã có loạt động thái đưa nước Mỹ trở lại quỹ đạo nỗ lực chung của toàn cầu. Ông đã ký các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm khai thác và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là các chính sách hướng tới năng lượng tái tạo. Ông cũng cam kết đến năm 2030 tăng gấp hai lần sản lượng điện gió ngoài khơi. Các sắc lệnh còn đề cập kế hoạch đầu tư hạ tầng cơ sở trị giá gần 2.000 tỷ USD, coi đây là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiến tạo hàng triệu việc làm trong tương lai.

Nước Mỹ đang nỗ lực khắc phục hậu quả do bão mùa đông gây ra. Để hạn chế những thiệt hại mà thảm họa thiên nhiên gây ra cho con người, các hành động thiết thực bảo vệ môi trường là việc làm cấp bách và cần sự đoàn kết, chung sức của toàn thế giới, trong đó Mỹ là một mắt xích quan trọng trong liên minh toàn cầu chống biến đổi khí hậu.