Lực đẩy mới

Hy vọng về khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Đông được thắp lên sau cuộc gặp tại Ai Cập của Bộ trưởng Ngoại giao bốn nước nhóm Mu-ních (Ai Cập, Gioóc-đa-ni, Pháp và Đức). Trong bối cảnh xu thế hòa giải giữa I-xra-en và các nước A-rập đang diễn ra trong khu vực, việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin là yếu tố mấu chốt nhằm đem lại hòa bình và ổn định lâu dài ở Trung Đông.

Cuộc gặp của nhóm Mu-ních nhằm “hồi sinh” tiến trình hòa bình Trung Đông diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en bị đình trệ từ năm 2014. Phía Pa-le-xtin đã từ chối vai trò bảo trợ của Mỹ cho tiến trình hòa bình này kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Đ.Trăm công nhận Giê-ru-xa-lem là thủ đô của I-xra-en và dời Đại sứ quán Mỹ tại I-xra-en đến thành phố này vào tháng 5-2018. Động thái của Mỹ đã “chạm” vào một trong những vấn đề nhạy cảm và gai góc nhất trong các cuộc đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, làm tổn hại nghiêm trọng giải pháp hai nhà nước mà cộng đồng quốc tế đang nỗ lực thúc đẩy. Pa-le-xtin cùng với các nước A-rập cũng như cộng đồng quốc tế nói chung “trước sau như một” ủng hộ việc thành lập Nhà nước Pa-le-xtin với thủ đô là Đông Giê-ru-xa-lem và cùng tồn tại bên cạnh Nhà nước I-xra-en. Tiến trình hòa bình Trung Đông càng rơi vào bế tắc khi I-xra-en tiếp tục phê duyệt các dự án xây dựng khu định cư Do thái trên vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin. Căng thẳng giữa hai bên đã châm ngòi cho các cuộc xung đột, đẩy các vùng lãnh thổ của Pa-le-xtin vốn chịu sự phong tỏa của I-xra-en vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Pa-le-xtin cáo buộc, các hành vi bạo lực của người định cư I-xra-en tăng mạnh, nhằm chiếm đoạt thêm đất đai của người Pa-le-xtin để phục vụ cho việc mở rộng các tiền đồn định cư Do thái, ngăn chặn khả năng thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin đủ khả năng tồn tại và có khu vực địa lý liền kề nhau.

Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông diễn ra ngay trong những ngày đầu năm ở Ai Cập được kỳ vọng sẽ thổi luồng sinh khí mới cho tiến trình hòa bình khu vực sau khi vai trò trung gian của Mỹ bị Pa-le-xtin bác bỏ, còn nhóm “bộ tứ”, gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU), gần như bị chìm vào quên lãng. Nhóm Mu-ních đã nhất trí về 11 điều khoản chi tiết nhằm khôi phục lộ trình hòa bình, với ưu tiên hàng đầu là khởi động lại cuộc đàm phán giữa I-xra-en và Pa-le-xtin. Vai trò quan trọng của hai quốc gia A-rập là Ai Cập và Gioóc-đa-ni, bên cạnh các cường quốc châu Âu như Pháp và Đức trong nhóm sẽ đóng góp quan trọng vào nỗ lực hòa giải, thúc đẩy đối thoại, hướng tới giải pháp hai nhà nước. Nhóm cũng khẳng định mong muốn phối hợp Mỹ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán hướng tới hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho khu vực dựa trên các nghị quyết được quốc tế công nhận. Đại diện bốn nước đã kêu gọi I-xra-en ngừng ngay lập tức các hoạt động xây dựng nhà định cư, trong đó có khu định cư ở Đông Giê-ru-xa-lem và tránh thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào cản trở triển vọng chấm dứt xung đột với Pa-le-xtin. 

Tiếp tục cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho khát vọng hòa bình, Pa-le-xtin hối thúc cộng đồng quốc tế thúc đẩy các giải pháp nhằm thành lập một Nhà nước Pa-le-xtin độc lập. Phó Chủ tịch đảng Pha-ta của Pa-le-xtin M.A-lun cho biết, Pa-le-xtin sẵn sàng hợp tác với bốn nước trong nhóm Mu-ních để khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông với I-xra-en. Chính quyền Pa-le-xtin (PA) kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm của mình trong việc thực thi các nghị quyết của cộng đồng quốc tế, trong đó có Nghị quyết 2334 của Hội đồng Bảo an về việc ngăn chặn mở rộng các khu định cư Do thái trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Pa-le-xtin.

Các nhà ngoại giao đến từ bốn nước nhóm Mu-ních đều khẳng định không gì thay thế được giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột I-xra-en và Pa-le-xtin. Đây là nền tảng để đạt được nền hoà bình toàn diện trong khu vực. Bởi mối quan hệ giữa I-xra-en và các nước A-rập chỉ thật sự được cải thiện khi hóa giải được các bất đồng giữa I-xra-en và Pa-le-xtin và có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. 

Những nỗ lực quốc tế nhằm đưa I-xra-en và Pa-le-xtin trở lại bàn đàm phán được kỳ vọng là lực đẩy đưa “con tàu hòa bình” tiến lên phía trước, tìm ra giải pháp vì một nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông.