Bình luận quốc tế

Lựa chọn cần thiết: Phối hợp chính sách

Sáu tháng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì Covid-19, các nước vừa phải đang vật lộn chống dịch, vừa nỗ lực triển khai các giải pháp khôi phục hoạt động kinh tế. Liên hợp quốc (LHQ) khuyến nghị tăng cường phối hợp chính sách nhằm phục hồi bền vững và xây dựng nền kinh tế toàn cầu dẻo dai, bền bỉ hơn trước thách thức.

Hơn nửa năm hoành hành trên khắp thế giới, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và khó lường; dịch bệnh tưởng chừng được kiềm chế ở một số nước, lại bùng phát trở lại và nghiêm trọng hơn. Không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 670 nghìn người trên toàn thế giới, Covid-19 còn đẩy kinh tế toàn cầu vào cuộc suy thoái tồi tệ. Những báo cáo cập nhật kinh tế đều cho thấy bức tranh ảm đạm, với mức sụt giảm sâu được ghi nhận ở khắp các khu vực, từ châu Âu tới châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Hầu hết các lĩnh vực kinh tế, từ du lịch, hàng không, ngân hàng đến sản xuất, đều chịu cảnh thiệt hại nghiêm trọng do dịch Covid-19.

Những số liệu không khả quan liên tiếp được đưa ra: Nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ trong quý II vừa qua sụt giảm tới 32,9% so quý trước và là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1947; con số này tại Mê-hi-cô cũng cao kỷ lục là 17,3%; kinh tế Cô-xta Ri-ca trong cả năm nay cũng được dự báo sụt giảm mức sâu nhất kể từ năm 1982. Báo cáo chung của WHO và Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc LHQ (ECLAC) cảnh báo, dịch Covid-19 đe dọa kéo lùi sự phát triển của khu vực này trở lại một thập niên. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng 7% trong năm nay và GDP giảm 9,1%. LHQ cảnh báo, những thành tựu y tế khu vực đạt được trong nhiều năm qua đứng trước nguy cơ bị xóa sạch, chỉ sau vài tháng Covid-19 hoành hành.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình cũng không lạc quan hơn: Nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức giảm 10,1% trong quý II-2020; kinh tế Pháp tăng trưởng âm trong ba quý liên tiếp, với mức giảm 17%; Bỉ và Áo cũng ghi nhận mức GDP giảm lần lượt là 12,2% và 10,7%... Riêng khu vực doanh nghiệp, những số liệu ảm đạm liên tiếp được công bố: Ngân hàng Lloyds, niềm tự hào của nước Anh, vừa báo cáo lỗ 877 triệu USD trong quý II. Tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell của Hà Lan thông báo thiệt hại 18 tỷ USD. Hay, cổ phiếu của nhà sản xuất máy bay hàng đầu châu Âu Airbus luôn chìm trong sắc đỏ trên thị trường chứng khoán...

Tại châu Á, thiệt hại kinh tế có phần dịu hơn, song cũng không tránh được vòng xoáy sụt giảm. Các nền kinh tế Đông - Nam Á từng ghi nhận hoạt động kinh tế sôi động và mạnh mẽ trước đại dịch, song Covid-19 đã làm lộ ra những thách thức lớn, như tình trạng bất bình đẳng thu nhập, hay những quan ngại về môi trường và phát triển. Tại châu Phi, dịch Covid-19 đã đưa vấn đề nghèo đói, thất nghiệp trở thành mối quan ngại hàng đầu...

Những thông tin tiêu cực về kinh tế toàn cầu liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh nhiều chính phủ thận trọng cân nhắc giữa việc duy trì phong tỏa chống dịch, hay tái khởi động nền kinh tế. Dịch bệnh đến nay vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, thậm chí còn bùng phát trở lại tại nhiều nơi, ở cả những nước mà các biện pháp hạn chế được nới lỏng, phục vụ mục tiêu khôi phục kinh tế. Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét nêu rõ, tình trạng dịch bệnh phức tạp hiện nay nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế và căng thẳng xã hội kéo dài và nghiêm trọng hơn.

Kết quả khảo sát mới nhất do Roi-tơ thực hiện cho thấy, ý kiến chung của giới chuyên gia kinh tế quốc tế dự báo, GDP toàn cầu sẽ giảm 4% trong năm nay, nghĩa là thế giới mất đi khoảng 3,4 nghìn tỷ USD vì Covid-19. Thế giới có thể phải mất nhiều năm để lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch. Báo cáo của LHQ khuyến cáo các nước tăng cường hành động ứng phó dịch bệnh, thông qua củng cố hệ thống y tế và quan tâm các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Việc khôi phục kinh tế cần thông qua những chính sách có thể bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân, khôi phục các chuỗi cung ứng và hỗ trợ lĩnh vực tài chính phát triển lành mạnh. 

Theo LHQ, thế giới đang đứng trước lựa chọn giữa hai con đường. Một là phong tỏa, đóng cửa biên giới, có thể đẩy kinh tế toàn cầu tới một cuộc suy thoái sâu, kéo dài và kéo thế giới trở lại tình trạng phát triển thiếu bền vững. Lựa chọn thứ hai, áp dụng các chính sách phối hợp khu vực và toàn cầu, có thể đưa tới một giải pháp chung, bảo đảm phát triển toàn diện và bền vững hơn.