Lo ngại

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm lắng sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí một thỏa thuận tạm ngừng để hai bên tích cực thảo luận lộ trình đàm phán. Tuy nhiên, “sóng ngầm” vẫn diễn ra mạnh mẽ trong quan hệ song phương và giới phân tích tiếp tục quan ngại cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ ảnh hưởng lớn kinh tế toàn cầu trong năm tới.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Đ.Trăm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí, Mỹ tạm thời không tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc vào ngày 1-1-2019. Phía Trung Quốc đã có các động thái đầu tiên thực hiện “thỏa thuận đình chiến thương mại” với Mỹ. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 13-12 xác nhận Trung Quốc đang lên kế hoạch cử một phái đoàn tới Mỹ để thảo luận vấn đề thương mại. Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Tài chính Mỹ X.Mnu-chin và Đại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ nhằm thảo luận về lộ trình cho giai đoạn tiếp theo của đàm phán thương mại song phương. Trong một động thái mang tính thiện chí khác, hôm 13-12, phía Trung Quốc đã quyết định mua ít nhất 500.000 tấn đậu nành Mỹ. Trước đó, khi trả lời phỏng vấn kênh CNBC, Bộ trưởng Thương mại Mỹ U.Rốt cũng xác nhận, Trung Quốc đã giảm thuế nhập khẩu đối với ô-tô và nối lại nhập khẩu sản phẩm đậu nành của Mỹ.

Tuy nhiên, dù Mỹ và Trung Quốc đã “đình chiến thương mại” và Bắc Kinh có các động thái đáng ghi nhận trong hạ nhiệt mối quan hệ kinh tế căng thẳng với Oa-sinh-tơn nêu trên, giới phân tích hiện vẫn chưa lạc quan về triển vọng hai cường quốc có thể sớm chấm dứt chiến tranh thương mại. Phát biểu trên mạng truyền hình Fox Business hôm 13-12, Cố vấn Thương mại Nhà trắng P.Na-va-rô vẫn khẳng định quốc gia này sẽ thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Ông Na-va-rô nhấn mạnh rằng, phía Mỹ cần phải thực hiện chiến lược đàm phán tốc độ cao, cứng rắn và tập trung vào thành quả cuối cùng, với nguyên tắc then chốt là “tin tưởng nhưng không mù quáng”. Cũng theo ông Na-va-rô thì việc Trung Quốc có những nhượng bộ bước đầu trong đàm phán thương mại với Mỹ vẫn chưa thể bảo đảm giải quyết bất đồng, bởi Oa-sinh-tơn muốn Bắc Kinh tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ “xứ cờ hoa”. Đại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ, người phụ trách đàm phán thương mại với Trung Quốc, khi trả lời phỏng vấn của đài CBS, đã cho rằng thời điểm 1-3-2019 là “thời hạn chót đầy khó khăn để đạt được thỏa thuận” nhằm ngăn chặn một cuộc chiến thương mại lan rộng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, trong lúc Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị lộ trình đàm phán thương mại, “sóng ngầm” vẫn diễn ra trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Vụ việc nổi cộm nhất là vụ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đã bị cảnh sát Ca-na-đa bắt giữ tại thành phố Van-cu-vơ và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với I-ran. Căng thẳng leo thang khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 13-12 thông báo, giới chức nước này đã có các biện pháp cưỡng chế đối với hai công dân Ca-na-đa bị tình nghi đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, các vụ việc trên đang khoét sâu thêm mâu thuẫn trong quan hệ giữa Trung Quốc với Ca-na-đa và Mỹ, đồng thời, “thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung vốn đang căng thẳng.

Triển vọng không khả quan của đàm phán thương mại Mỹ - Trung là một trong những nguyên nhân lớn khiến các tổ chức quốc tế quan ngại về tương lai kinh tế toàn cầu năm 2019. Đa số các báo cáo kinh tế công bố ở thời điểm cuối năm 2018 đều nhận định cuộc chiến thương mại này sẽ khiến tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm trong thời gian tới. Báo cáo về tình hình thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 của Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP) vừa công bố nêu rõ: căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu giảm tới 400 tỷ USD và GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 117 tỷ USD. Báo cáo của UNESCAP cũng quan ngại rằng, cuộc chiến thương mại nêu trên đã có tác động lớn, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hiện nay và khiến giới đầu tư lo lắng.

Những quan ngại là có cơ sở, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc dù đã tạm đình chiến thương mại, nhưng triển vọng đàm phán chấm dứt chiến tranh thương mại không sáng sủa. Để giảm thiểu thiệt hại và không chịu cảnh “vạ lây” từ cuộc chiến thương mại này, giờ là lúc mỗi quốc gia cần tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và tự xây dựng cho mình một kịch bản phát triển hợp lý trong năm 2019 cũng như các năm tiếp theo.