Làn sóng dữ

Công ty phân tích Creditreform vừa dự báo, kinh tế Đức sẽ đối mặt một “làn sóng dữ” vào tháng 10 tới với các vụ phá sản tăng mạnh. Ba ngành công nghiệp có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng là ngành giải trí, du lịch và khách sạn. Trong khi đó, Ngân hàng Deutsche Bank của Đức cảnh báo, nhiều doanh nghiệp yếu kém đang trở thành “các công ty xác sống” tạo gánh nặng cho nền kinh tế Đức.

Theo Creditreform, tại Đức đang tồn tại một nghịch lý là trong bối cảnh khủng hoảng do đại dịch Covid-19, số công ty đăng ký phá sản giảm mạnh. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang, số vụ phá sản vào tháng 4 năm nay ít hơn 13,3%, tháng 5 ít hơn 10% và vào tháng 6 tạm tính ít hơn khoảng 30% so với năm 2019. Tuy nhiên, một làn sóng phá sản của doanh nghiệp có thể diễn ra vào tháng 10 tới. Nguyên nhân khiến ít công ty đăng ký phá sản vừa qua là vì họ không phải báo cáo với tòa án như thường lệ về việc họ mắc nợ quá nhiều hoặc vỡ nợ, nếu nguyên nhân của vấn đề tài chính là do đại dịch Covid-19.

Thời gian qua, nhằm giúp các công ty gặp khó khăn, Bộ Tư pháp Liên bang cho phép các công ty này tận dụng các gói viện trợ của nhà nước và thúc đẩy nỗ lực tái cơ cấu. Tuy nhiên, các điều luật liên quan việc hỗ trợ doanh nghiệp như trên chỉ có thời hạn đến cuối tháng 9. Mặc dù Chính phủ Đức mới đây quyết định gia hạn hỗ trợ đối với các công ty và người lao động, nhưng việc gia hạn phá sản chỉ áp dụng cho các công ty mắc nợ do ảnh hưởng của dịch bệnh mà không áp dụng cho các công ty mất khả năng thanh toán. Trong khi đó, Creditreform chỉ ra rằng, khoảng 90% số đơn xin phá sản ở Đức sẽ được khởi động do các công ty này mất khả năng thanh toán. Nghĩa là công ty đó không thể thanh toán hơn 10% các khoản nợ đến hạn phải trả trong vòng ba tuần; nợ tồn quá nhiều, cao hơn giá trị tài sản và đồng thời có dự báo hoạt động kinh doanh liên tục âm. Trong bối cảnh “sức khỏe” doanh nghiệp Đức đang xấu đi nghiêm trọng như hiện nay, Creditreform dự kiến một làn sóng phá sản từ tháng 10 và trong suốt quý IV - 2020.

Trước khi Creditreform đưa ra dự báo nêu trên, giới chức ngân hàng Đức đã cảnh báo về nguy cơ từ các doanh nghiệp với nền kinh tế số một châu Âu. Tổng Giám đốc điều hành của Deutsche Bank vừa cho rằng, viện trợ của Chính phủ Đức giúp các công ty yếu kém “duy trì sự sống” trong đại dịch sẽ dẫn tới hệ lụy là sự ra đời của “các công ty xác sống”. “Công ty xác sống” chỉ những doanh nghiệp sống sót nhờ các khoản trợ cấp và cứu trợ của chính phủ để tránh vỡ nợ và việc tồn tại một số lượng lớn công ty loại này sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất của nền kinh tế. Nhằm truyền “thuốc tăng lực” cho nền kinh tế, Chính phủ Đức vừa qua đã cam kết cấp hơn 1.000 tỷ ơ-rô hỗ trợ các công ty và người dân Đức giảm tác động của dịch bệnh, thông qua các chương trình cho vay, hỗ trợ và trợ cấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo gói hỗ trợ này cho nhiều doanh nghiệp có thể là “lợi bất cập hại” với nền kinh tế. Nghiên cứu của Công ty phân tích Creditreform cho biết số “công ty xác sống” tại Đức có thể tăng gấp hai lần. Theo đó, cứ sáu công ty có một công ty loại này, do các khoản trợ cấp liên quan đến đại dịch. Tổng Giám đốc Deutsche Bank nhấn mạnh, tình trạng duy trì các “công ty xác sống” sẽ rất có hại, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang dẫn tới nhiều thay đổi cấu trúc đòi hỏi nền kinh tế phải thích nghi nhanh chóng.

Cơ quan Thống kê Đức cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đức đã suy giảm ở mức kỷ lục 9,7% trong quý II do tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và xuất khẩu đều giảm mạnh. Khủng hoảng kinh tế Đức hiện nay còn trầm trọng hơn khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây hơn 10 năm. Trong bối cảnh nêu trên, việc cứu trợ không đúng hướng có thể sẽ tạo ra các gánh nặng, cản bước phục hồi của nền kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) M.Đra-ghi vừa qua lưu ý rằng các chính phủ nên sử dụng quỹ kích thích kinh tế để tạo việc làm cho giới trẻ hơn là hỗ trợ việc làm cho những người đang có việc. 

Từ những vấn đề của kinh tế Đức hiện nay cũng như lưu ý của Chủ tịch ECB cho thấy, việc sử dụng “liều thuốc tăng lực” cho các nền kinh tế trong đại dịch cần được cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm đưa ra “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời không tạo ra làn sóng phá sản gây hệ lụy lâu dài.